Học không giới hạn 600+ khóa học chỉ với 199K / tháng Xem ngay

Support

Hotline: 090 488 6095
Email: cskh@unica.vn

Turnover Rate là gì? Hướng dẫn cách giảm tỷ lệ nghỉ việc

Turnover Rate là một phần tự nhiên trong vòng đời công việc vì áp lực cạnh tranh công việc ngày càng cao. Turnover Rate giống như “chiếc gương” phản ánh rõ nhất văn hóa công ty và sức khỏe nội bộ, mức độ gắn bó của nhân viên trong doanh nghiệp. Để hiểu cụ thể khái niệm Turnover Rate là gì? Làm sao để giảm tỷ lệ nghỉ việc. Bạn đọc hãy tham khảo nội dung chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé.

Turnover Rate là gì?

Turnover Rate (tỷ lệ nghỉ việc hay tỷ lệ xoay vòng nhân sự) là một chỉ số quan trọng trong lĩnh vực quản trị nhân sự, dùng để đo lường mức độ biến động nhân sự trong một doanh nghiệp. Cụ thể, chỉ số này phản ánh tỷ lệ giữa số lượng nhân viên rời khỏi công ty với tổng số nhân sự trung bình trong một khoảng thời gian nhất định, có thể tính theo tháng, quý hoặc năm.

Turnover Rate là gì?

Turnover Rate là gì?

Turnover Rate là chỉ số quan trọng trong báo cáo nhân sự của doanh nghiệp bởi nó phản ảnh được doanh nghiệp có đang thỏa mãn yêu cầu của nhân viên và giữ chân được nhân tài hay không. Thông qua việc theo dõi Turnover Rate, các nhà quản lý sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về mức độ ổn định nhân sự trong tổ chức. Từ đó, doanh nghiệp có thể đánh giá được hiệu quả môi trường làm việc, mức độ hài lòng của nhân viên. Đồng thời, kịp thời xây dựng những chiến lược phù hợp nhằm giữ chân người tài và nâng cao hiệu suất vận hành.

Tại sao chỉ số Turnover Rate lại quan trọng

Turnover Rate không chỉ là con số thống kê mà còn là “thước đo sức khỏe” nội bộ của doanh nghiệp. Vì vậy nó đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vậy vai trò của chỉ số Turnover Rate là gì? Doanh nghiệp nên theo dõi chỉ số này vì những lý do sau:

  • Dễ dàng đánh giá tình trạng nhân sự: Tỷ lệ nghỉ việc cao cho thấy môi trường làm việc chưa phù hợp, quản lý thiếu hiệu quả hoặc văn hóa doanh nghiệp chưa tạo được sự gắn kết. Dựa vào chỉ số Turnover Rate doanh nghiệp biết cần phải làm gì để giữ chân nhân viên.

  • Tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp: Mỗi nhân viên rời đi kéo theo chi phí tuyển dụng, đào tạo và thời gian làm quen công việc cho người mới. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách và hiệu suất chung. Chỉ số Turnover Rate giúp doanh nghiệp điều chỉnh và xây dựng được môi trường làm việc lý tưởng cho nhân viên. Từ đó, giảm tỷ lệ nghỉ việc giúp tiết kiệm chi phí tuyển dụng.

  • Đảm bảo hiệu suất công việc ổn định: Nhân viên nghỉ việc đột ngột dễ gây gián đoạn công việc, giảm tinh thần đội nhóm và ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Vì vậy, việc quan tâm đến Turnover Rate để giảm tỷ lệ nghỉ việc là rất quan trọng.

  • Giữ chân những nhân sự giàu chuyên môn và kinh nghiệm: Việc nhân sự rời đi, đặc biệt là những nhân sự có trình độ và kỹ năng cao dễ lại khoảng trống khó thay thế. Doanh nghiệp thiếu nhân sự giỏi thì mức độ hoàn thành công việc và chất lượng công việc sẽ giảm. Để điều này không xảy ra, việc quan tâm đến chỉ số Turnover Rate là rất quan trọng.

Công thức tính tỷ lệ nhảy việc

Công thức tính tỷ lệ nhảy việc như sau:

Tỷ lệ nghỉ việc = (Số lượng nhân viên nghỉ việc) / (Số nhân viên trung bình) x 100

Trong đó:

  • Số lượng nhân viên nghỉ việc: Số nhân viên nghỉ việc trong khoảng thời gian bạn muốn tính chỉ số Turnover Rate.

  • Số nhân viên trung bình: Bình quân số nhân viên ngày đầu tiên của khoảng thời gian và số nhân viên ngày cuối của công ty.

Ví dụ: Tính turnover rate năm 2024 của công ty X. Biết ngày 03/03/2024 công ty có 70 nhân sự, ngày 03/03/2025 có 82 nhân sự. Nhân sự nghỉ việc trong năm 2024 là 15 người.

Số lượng nhân sự trung bình năm 2024 = (70+82) / 2 = 152 / 2 = 76 người

Như vậy chúng ta đã có đủ thông tin để tính turnover rate như sau: Turnover Rate = 15 / 76 × 100% ≈ 19.74%

Vậy tỷ lệ nhân sự chuyển công việc của công ty X trong năm 2024 là khoảng 19.74%.

Các bước tính Turnover rate

Sau khi đã biết khái niệm Turnover rate là gì chắc chắn nhiều người sẽ tò mò muốn biết các bước tính. Để xác định chính xác Turnover Rate của doanh nghiệp, bạn có thể làm theo 5 bước sau:

Bước 1: Xác định khoảng thời gian

Trước tiên, hãy xác định rõ khoảng thời gian mà bạn muốn đo lường tỷ lệ nghỉ việc – thường là theo năm, nhưng cũng có thể theo quý hoặc tháng tùy mục đích phân tích.

Ví dụ: Nếu bạn muốn biết tỷ lệ nghỉ việc trong năm 2023, hãy lấy mốc từ ngày 1/1/2023 đến ngày 1/1/2024. Việc xác định đúng mốc thời gian sẽ đảm bảo độ chính xác trong toàn bộ quá trình tính toán và giúp dễ dàng đối chiếu với các dữ liệu nhân sự khác như lương thưởng, hiệu suất làm việc,...

Ngoài ra, nếu muốn theo dõi sát sao hơn về sự ổn định đội ngũ nhân sự, doanh nghiệp có thể lựa chọn tính theo tháng hoặc quý để phát hiện sớm các dấu hiệu bất ổn trong tổ chức.

Xác định khoảng thời gian áp dụng để tính Turnover rate

Xác định khoảng thời gian áp dụng để tính Turnover rate

Bước 2: Xác định số lượng nhân viên trung bình trong kỳ thời gian

Tiếp theo, bạn cần tính được số lượng nhân viên trung bình trong khoảng thời gian đã chọn. Đây là cơ sở để so sánh với số lượng nghỉ việc và tính ra tỷ lệ phần trăm chính xác.

Áp dụng công thức:

Số nhân viên trung bình = (Tổng số nhân viên đầu kỳ + Tổng số nhân viên cuối kỳ) / 2

Ví dụ: Doanh nghiệp có 120 nhân viên vào đầu kỳ và 140 nhân viên vào cuối kỳ → Số nhân viên trung bình = (120 + 140) / 2 = 130

Lưu ý: Số lượng nhân viên phải bao gồm cả nhân viên toàn thời gian, bán thời gian, nhân viên hợp đồng… nếu họ có ảnh hưởng đến khối lượng công việc thực tế.

Bước 3: Xác định số lần nhân viên nghỉ việc

Sau khi đã có số lượng nhân viên trung bình, bạn cần xác định tổng số nhân viên đã nghỉ việc trong khoảng thời gian đã chọn. Con số này nên bao gồm cả nghỉ việc tự nguyện (do cá nhân lựa chọn) và nghỉ việc không tự nguyện (bị cho nghỉ, sa thải...).

Lưu ý: Không tính những trường hợp tạm nghỉ như nghỉ thai sản, nghỉ phép dài hạn nếu họ vẫn còn là nhân viên chính thức của công ty.

Việc thống kê chính xác số lần nghỉ việc sẽ giúp bạn không bỏ sót dữ liệu, tránh làm lệch kết quả phân tích và đánh giá sai tình hình nhân sự.

Bước 4: Tính Turnover rate

Sau khi đã có đầy đủ dữ liệu, bạn có thể áp dụng công thức sau để tính tỷ lệ nghỉ việc:

Turnover Rate (%) = (Số nhân viên nghỉ việc / Số nhân viên trung bình) x 100

Ví dụ: Trong năm 2023, công ty có 15 nhân viên nghỉ việc, số nhân viên trung bình là 130 → Turnover Rate = (15 / 130) x 100 = 11,54%

Kết quả này giúp doanh nghiệp đánh giá được mức độ ổn định trong đội ngũ nhân sự. Nếu tỷ lệ này tăng qua các kỳ, có thể bạn đang đối mặt với những vấn đề cần xử lý nhanh chóng.

Tính chỉ số nhân sự nghỉ việc để đánh giá sự biến động

Tính chỉ số nhân sự nghỉ việc để đánh giá sự biến động

Bước 5: So sánh tỷ lệ nghỉ việc với tiêu chuẩn ngành

Tỷ lệ nghỉ việc không có một “con số lý tưởng” chung cho mọi lĩnh vực – mà cần được so sánh với mức trung bình ngành. Ví dụ, ngành công nghệ có thể chấp nhận Turnover Rate cao hơn ngành tài chính hoặc sản xuất.

Nếu tỷ lệ của doanh nghiệp bạn cao hơn mặt bằng ngành. Đây là dấu hiệu cần cải thiện chính sách nhân sự, môi trường làm việc hoặc quy trình tuyển dụng. Ngược lại, nếu tỷ lệ thấp hơn, đó là một điểm mạnh trong chiến lược giữ chân nhân tài mà bạn nên tiếp tục phát huy.

Ngoài ra, việc theo dõi xu hướng Turnover Rate của ngành cũng giúp bạn dự báo trước các biến động. Từ đó, có kế hoạch nhân sự phù hợp hơn trong tương lai.

Đánh giá chỉ số Turnover rate tốt/xấu?

Dựa trên quan điểm từ Tiến sĩ John Sullivan – chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị nhân sự, chỉ số Turnover rate được phân tích như sau:

Turnover Rate

Đánh giá & Nhận định

< 3%

Tình hình nhân sự ổn định. Nhân viên nghỉ việc chủ yếu do các yếu tố khách quan (chuyển ngành, cá nhân). Không ảnh hưởng nhiều đến vận hành chung.

Từ 3% – 5%

Doanh nghiệp vẫn kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nên để ý đến các yếu tố như chính sách lương thưởng, phong cách quản lý, vì đây có thể là nguyên nhân dẫn đến việc nhân viên rời đi.

Từ 5% – 8%

Mức này cho thấy đã có dấu hiệu bất ổn trong nội bộ. Doanh nghiệp cần rà soát lại môi trường làm việc, cơ hội phát triển, hệ thống đào tạo và cả năng lực lãnh đạo.

Từ 8% – 10%

Đây là mức cảnh báo đỏ. Turnover Rate cao ảnh hưởng trực tiếp đến vận hành và hiệu suất. Các vấn đề không chỉ nằm ở chính sách mà còn có thể bắt nguồn từ văn hóa doanh nghiệp. Cần thay đổi sâu rộng.

> 10%

Turnover Rate vượt ngưỡng kiểm soát. Lúc này, lãnh đạo cần đánh giá lại toàn bộ mô hình nhân sự, môi trường, phúc lợi, quản trị và định hướng văn hóa. Đồng thời so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành để đưa ra giải pháp cụ thể.

Kết luận: Mức Turnover lý tưởng nên nằm trong khoảng từ 4% – 6%, tùy theo đặc thù của từng tổ chức. Tuy nhiên, không có một “con số vàng” áp dụng cho tất cả các ngành, mỗi ngành nghề sẽ có mức dao động riêng.

Chỉ số Turnover rate lý tưởng là trong khoảng 4% - 6%

Chỉ số Turnover rate lý tưởng là trong khoảng 4% - 6%

Nguyên nhân khiến tỷ lệ nghỉ việc tăng cao

Một tổ chức có tỷ lệ nghỉ việc cao không đơn thuần chỉ là vấn đề nhân sự ra đi, mà ẩn sau đó là những “điểm nghẽn” trong văn hóa, môi trường làm việc hay quản trị nội bộ. Vậy nguyên nhân khiến chỉ số Turnover rate cao là gì? Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:

  • Nhân sự không tìm được cảm hứng và động lực: Khi công việc trở nên nhàm chán, lặp đi lặp lại hoặc thiếu sự đổi mới, nhân viên dễ mất đi niềm hứng khởi. Không cảm thấy công việc mang lại giá trị hay sự kết nối với mục tiêu cá nhân cũng khiến họ dễ rơi vào trạng thái “làm cho có” và dần tìm kiếm cơ hội khác hấp dẫn hơn.

  • Không nhận thấy khả năng phát triển: Việc không có lộ trình thăng tiến rõ ràng hoặc bị giới hạn trong vai trò hiện tại khiến nhân viên cảm thấy bị “mắc kẹt”. Họ muốn được học hỏi, được thử thách, và nếu doanh nghiệp không đáp ứng được kỳ vọng này, họ sẽ chủ động rời đi để phát triển sự nghiệp ở nơi khác.

  • Nhân viên cảm thấy không được ghi nhận: Nhân viên trong quá trình làm việc cảm thấy thiếu sự ghi nhận thì sẽ có tâm lý chán nản, buồn bã ảnh hưởng đến tinh thần làm việc. Điều này dần dần dẫn đến sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa họ và tổ chức và họ không còn muốn làm việc nữa.

  • Không có sự hòa hợp với nhân sự xung quanh: Một môi trường làm việc thiếu sự gắn kết, xảy ra mâu thuẫn thường xuyên hoặc không phù hợp với giá trị cá nhân sẽ khiến nhân viên cảm thấy bị “lạc lõng”. Từ đó có xu hướng muốn nghỉ việc.

  • Công việc quá áp lực, căng thẳng: Áp lực công việc liên tục, deadline dồn dập, thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân là nguyên nhân hàng đầu khiến nhân sự bị kiệt sức. Khi này, nếu không được chia sẻ, hỗ trợ và điều chỉnh kịp thời, nhân viên sẽ chọn cách rút lui để bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình.

Nhân sự nghỉ việc do rất nhiều nguyên nhân khác nhau

Nhân sự nghỉ việc do rất nhiều nguyên nhân khác nhau

Cách giảm tỷ lệ nghỉ việc hiệu quả

Để giữ chân nhân tài và duy trì đội ngũ ổn định, doanh nghiệp cần chủ động đưa ra những giải pháp phù hợp. Dưới đây là những cách giúp giảm turnover rate một cách bền vững và hiệu quả:

Khảo sát nhân viên nghỉ việc

Việc khảo sát nhân sự nghỉ việc giúp doanh nghiệp hiểu rõ nguyên nhân của sự ra đi, hiểu lý do tại sao nhân sự lại nghỉ việc. Quá trình khảo sát này như một dịp để bạn được lắng nghe ý kiến chia sẻ thật lòng của nhân sự, thấu hiểu cảm nhận của họ trong quãng thời gian làm việc, cách họ suy nghĩ về văn hóa cũng như cách quản lý của doanh nghiệp. Từ đó, điều chỉnh những “lỗ hổng” trong quy trình quản lý, môi trường làm việc hay chính sách nội bộ. Đây là nguồn thông tin chân thực để nâng cấp trải nghiệm nhân viên còn lại.

Lắng nghe ý kiến của nhân sự nhiều hơn

Ngoài cách giảm tỷ lệ nhân sự nghỉ việc đã chia sẻ ở trên thì ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải lắng nghe ý kiến của nhân sự nhiều hơn. Khi nhân sự cảm thấy được quan tâm và tôn trọng, họ sẽ muốn cống hiến. Doanh nghiệp nào cũng nên xây dựng văn hóa phản hồi hai chiều, nơi mà nhân viên có thể bày tỏ quan điểm, khó khăn hay đề xuất một cách thoải mái. Khi được lắng nghe và coi trọng, nhân viên sẽ cảm thấy có sự gắn kết và yên tâm đồng hành lâu dài.

Chặt chẽ ngay từ khâu tuyển dụng ứng viên

Tuyển đúng người, đúng việc ngay từ đầu là yếu tố then chốt để tìm được nhân sự phù hợp và giữ chân họ ở lại lâu dài. Tuyển đúng người không chỉ dừng lại ở kỹ năng chuyên môn mà còn phải tuyển người phù hợp với văn hóa của tổ chức. Điều này đặc biệt quan trọng khi tuyển dụng những vị trí có yêu cầu cao về kỹ năng giao tiếp như: Account, Nhân viên kinh doanh, Hành chính Nhân sự, Truyền thông,... Tuyển đúng người không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu Turnover Rate, mà còn tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian khi tuyển người mới.

Tuyển dụng chặt chẽ để giảm tỷ lệ nhân sự nghỉ việc

Tuyển dụng chặt chẽ để giảm tỷ lệ nhân sự nghỉ việc

Cung cấp cho nhân viên chế độ phúc lợi phù hợp

Chính sách lương thưởng, phúc lợi đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chân nhân viên. Giữa hai doanh nghiệp đưa thư mời làm việc thì doanh nghiệp có chế độ phúc lợi tốt chắc chắn sẽ được nhân sự quan tâm và lựa chọn. Doanh nghiệp nên xây dựng chế độ đãi ngộ cạnh tranh, đi kèm với những hỗ trợ về sức khỏe, đào tạo để tạo động lực cho nhân sự cống hiến.

Ngoài ra, chế độ phúc lợi không chỉ đơn thuần là lương hay môi trường làm việc mà còn bao gồm cả nghỉ phép linh hoạt, du lịch, bữa trưa miễn phí,... Những điều tưởng nhỏ nhoi này nhưng lại chính là yếu tố giúp thu hút và giữ chân nhân viên.

Kết luận

Hiểu rõ Turnover Rate là gì chính là bước đầu tiên để doanh nghiệp đánh giá đúng thực trạng nguồn lực và xây dựng chiến lược nhân sự hiệu quả. Một tỷ lệ nghỉ việc hợp lý không chỉ phản ánh môi trường làm việc tích cực mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giữ chân nhân tài và phát triển bền vững. Đừng chờ đến khi nhân sự đồng loạt rời đi mới bắt đầu thay đổi, hãy chủ động đo lường, lắng nghe và cải thiện ngay từ hôm nay để giữ vững đội ngũ nhân sự mạnh mẽ của mình nhé.

Trở thành hội viên
0/5 - (0 bình chọn)