Học không giới hạn 600+ khóa học chỉ với 199K / tháng Xem ngay

Hỗ trợ

Hotline: 090 488 6095
Email: cskh@unica.vn

Chỉ số EQ là gì? Tiêu chuẩn đánh giá? Dấu hiệu nhận biết người có EQ cao

Trước kia, hầu như mọi người đều chỉ quan tâm đến IQ, thậm chí còn coi nó là thước đo của thành công. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại thì chỉ số cảm xúc EQ cũng ngày càng được coi trọng. EQ không còn đơn thuần là khả năng “cảm xúc” mà còn là chìa khóa vàng giúp con người giao tiếp hiệu quả hơn, xây dựng mối quan hệ vững chắc và làm chủ bản thân giữa xã hội đầy biến động. Sau đây, Unica sẽ chia sẻ cho bạn chỉ số EQ là gì? Vì sao nó lại có sức ảnh hưởng lớn đến vậy? Cùng tìm hiểu ngay. 

Chỉ số EQ là gì?

EQ (Emotional Quotient) hay còn gọi là chỉ số cảm xúc, là một thước đo thể hiện khả năng nhận biết, thấu hiểu và quản lý cảm xúc của bản thân cũng như cảm xúc của người khác. Nói cách đơn giản, IQ là chỉ số đo lường trí tuệ về cảm xúc của con người. Người có EQ cao thường biết cách kiểm soát hành vi, ứng xử linh hoạt và duy trì các mối quan hệ một cách hiệu quả.

Chỉ số EQ là gì?

Chỉ số EQ là gì?

Không giống với IQ – chỉ số trí tuệ đại diện cho năng lực tư duy logic và phân tích, chỉ số EQ lại liên quan trực tiếp đến cách con người tương tác với xã hội và phản ứng trước những tình huống trong cuộc sống. EQ không chỉ là việc bạn kiểm soát cơn giận dữ như thế nào hay thể hiện sự đồng cảm ra sao mà còn là khả năng sử dụng cảm xúc để đưa ra quyết định hợp lý và xây dựng các mối quan hệ tích cực, giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình. Đây chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt rõ nét giữa một người chỉ giỏi lý thuyết và một người thành công trong cả công việc lẫn đời sống cá nhân.

Ngày nay, EQ không chỉ là một khái niệm trong tâm lý học mà còn được các nhà tuyển dụng, quản lý và chuyên gia nhân sự đánh giá rất cao. Họ áp dụng EQ trong quá trình đánh giá năng lực toàn diện của một cá nhân. Họ tin rằng những người có EQ cao là những người có khả năng chịu được áp lực, bình tĩnh đối mặt và giải quyết trước mọi tình huống.

Chỉ số EQ bao nhiêu là cao?

Để biết chỉ số EQ bao nhiêu được xem là cao, chúng ta cần dựa vào bài test đánh giá. Một số bài test có thể áp dụng như: MSCEIT (Mayer-Salovey-Caruso Emotional Intelligence Test), EQ-i (Emotional Quotient Inventory), TEIQue (Trait Emotional Intelligence Questionnaire),... Dựa trên kết quả từ những bài đánh giá này, chỉ số EQ thường được chia thành các mức như sau:

  • EQ thấp (dưới 90 điểm): Người có chỉ số EQ thấp thường gặp khó khăn trong việc nhận diện và kiểm soát cảm xúc của chính mình cũng như của người khác. Họ dễ bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực, thiếu kiên nhẫn và thường gặp cản trở trong các mối quan hệ xã hội.

  • EQ trung bình (từ 90 đến 115 điểm): Nhóm này có khả năng điều tiết cảm xúc tương đối ổn, biết cách giao tiếp và làm việc nhóm. Tuy nhiên, khi đối diện với áp lực lớn hoặc các tình huống xung đột, họ vẫn có thể lúng túng hoặc thiếu linh hoạt.

  • EQ cao (116 – 130 điểm): Đây là nhóm người có khả năng hiểu và điều phối cảm xúc cực kỳ tốt. Họ thường có kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo và tạo động lực vượt trội. Khả năng xây dựng mối quan hệ tích cực và xử lý tình huống cũng rất thành thạo.

  • EQ rất cao (trên 130 điểm): Người sở hữu chỉ số EQ rất cao thường có mức độ đồng cảm sâu sắc, dễ dàng thấu hiểu cảm xúc người khác. Họ không chỉ giỏi giao tiếp mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và tập thể.

Chỉ số EQ trên 130 điểm được đánh giá là rất cao

Chỉ số EQ trên 130 điểm được đánh giá là rất cao

5 Tiêu chuẩn để đánh giá chỉ số EQ

Để đo lường và đánh giá chỉ số EQ của một người, các chuyên gia thường căn cứ vào 5 yếu tố cốt lõi dưới đây:

Khả năng nhận thức

Khả năng tự nhận thức tức là mức độ hiểu rõ bản thân của mỗi người, nó bao gồm: cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của chính mình. Khi một người có thể nhận diện được cảm xúc đang tồn tại trong cơ thể, họ sẽ dễ dàng đánh giá được mức độ hiểu biết của bản thân, kiểm soát, định hướng cảm xúc và đưa ra phản ứng phù hợp. Đây là nền tảng giúp mỗi cá nhân xây dựng sự tự tin, tăng khả năng ra quyết định và phát triển cảm xúc tích cực.

Khả năng điều chỉnh cảm xúc của bản thân

Sau khi nhận thức được cảm xúc của bản thân, bước tiếp theo là biết cách điều chỉnh chúng một cách linh hoạt. Điều này bao gồm việc kiềm chế cảm xúc tiêu cực, duy trì cảm xúc tích cực và đưa ra những phản ứng phù hợp trong từng hoàn cảnh. Người có khả năng kiểm soát tốt cảm xúc thường điềm tĩnh, kiên nhẫn và dễ thích nghi với áp lực hoặc thay đổi.

Khả năng xây dựng mục tiêu phát triển

Tiêu chí đánh giá chỉ số EQ là gì tiếp theo mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đó là tiêu chí liên quan đến khả năng xây dựng mục tiêu phát triển. Một người sở hữu EQ cao thường có mục tiêu rõ ràng và kiên trì theo đuổi mục tiêu đó. Họ biết cách tạo ra động lực nội tại, duy trì tinh thần tích cực và đưa ra các quyết định phù hợp với giá trị cá nhân. Khả năng định hướng và xây dựng mục tiêu chính là tiền đề tạo nên sự cố gắng, lạc quan, quyết đoán và ý chí vươn lên. Đây chính là yếu tố then chốt tạo nên sự thành công lâu bền.

Tiêu chuẩn để đánh giá chỉ số EQ

Tiêu chuẩn để đánh giá chỉ số EQ

Sự cảm thông

Sự cảm thông, thấu cảm là năng lực cảm nhận và hiểu được cảm xúc của người khác. Đây là yếu tố quan trọng giúp cải thiện giao tiếp, tăng cường sự gắn kết và giải quyết mâu thuẫn hiệu quả. Người có EQ cao luôn biết đặt mình vào vị trí người khác để đánh giá tình huống một cách khách quan và chân thành.

Khả năng quản lý các mối quan hệ xã hội

Cuối cùng, người có EQ cao thường rất giỏi trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội. Họ biết cách cư xử linh hoạt, giao tiếp khéo léo và tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với người xung quanh. Không những vậy, họ còn là người biết truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần tích cực và hỗ trợ người khác phát triển.

Phân biệt chỉ số IQ và EQ

IQ và EQ là hai khái niệm rất dễ nhầm lẫn. Để giúp mọi người có những hiểu biết chi tiết về chi tiết chỉ số IQ và EQ là gì, sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn.

Tiêu chí

IQ (Chỉ số thông minh)

EQ (Chỉ số cảm xúc)

Khái niệm

Đo lường năng lực tư duy, logic, phân tích và khả năng học hỏi.

Đánh giá khả năng nhận diện, hiểu và quản lý cảm xúc của bản thân và người khác.

Thành phần chính

Trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề, suy luận logic, tư duy phản biện.

Nhận thức cảm xúc, kiểm soát cảm xúc, đồng cảm, kỹ năng xã hội.

Cách đo lường

Thường thông qua các bài test trắc nghiệm toán học, ngôn ngữ, hình ảnh.

Đo qua các bài đánh giá hành vi, bảng câu hỏi về cảm xúc, giao tiếp.

Tác động đến cuộc sống

Giúp học tốt, tư duy nhanh, thành công trong các lĩnh vực đòi hỏi tính logic cao như khoa học, kỹ thuật.

Góp phần vào sự thành công trong các lĩnh vực giao tiếp, lãnh đạo, làm việc nhóm và cuộc sống cá nhân.

Ví dụ

Người có IQ cao sẽ nảy số trong đầu rất nhanh, họ nhanh chóng tính toán và suy luận ngay cả những vấn đề phức tạp.

Người có EQ cao sẽ biết cách kiểm soát tức giận khi bị chỉ trích, đồng thời xử lý tình huống khéo léo, xây dựng mối quan hệ tích cực, luôn giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình.

Dấu hiệu nhận biết người có chỉ số EQ cao

Để nhận diện một người có chỉ số EQ cao hay thấp không khó. Chỉ cần dựa vào những tiêu chí sau là bạn có thể đánh giá được ngay. Vậy dấu hiệu nhận biết chỉ số EQ là gì, sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn.

Luôn nghiền ngẫm về cảm xúc của bản thân và người khác

Người có EQ cao thường rất nhạy cảm với cảm xúc, không chỉ của bản thân mà cả những người xung quanh. Thậm chí họ còn có sự tò mò và quan tâm đặc biệt đến cảm xúc của mọi người. Họ có xu hướng phân tích, suy ngẫm và đặt ra câu hỏi như:

  • "Tại sao mình lại cảm thấy như thế này?"

  • "Người đó có đang buồn không? Điều gì khiến họ như vậy?

Sự tò mò và quan tâm này giúp họ xây dựng khả năng thấu cảm sâu sắc. Từ đó, dễ dàng hòa nhập và tạo ra các mối quan hệ bền vững trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân.

Người có EQ cao thường nhạy cảm với cảm xúc của bản thân và mọi người xung quanh

Người có EQ cao thường nhạy cảm với cảm xúc của bản thân và mọi người xung quanh

Luôn biết khi nào thì nên tạm dừng 

Người có chỉ số EQ cao thường rất điềm tĩnh, họ biết khi nào nên nói và nói gì để không bốc đồng gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ của mình. Trước khi nói ra điều gì đó hoặc hành động, họ thường dừng lại một nhịp để suy nghĩ. Việc này, giúp họ tránh được những quyết định bốc đồng, những câu nói trong lúc nóng giận mà vô tình có thể gây tổn thương hoặc hối tiếc sau này.

Luôn cố gắng kiểm soát các suy nghĩ của bản thân

Tiêu chí đánh giá người có chỉ số EQ cao quan trọng nhất đó là luôn biết cách và cố gắng để kiểm soát suy nghĩ của bản thân. Thực tế, ai cũng có những suy nghĩ tiêu cực và tích cực đan xen. Tuy nhiên, người có EQ cao sẽ biết cách phân loại, điều tiết và chọn lọc những suy nghĩ tích cực để duy trì sự tỉnh táo, lạc quan. Họ không bị cuốn theo cảm xúc tiêu cực gây mất bình tĩnh mà luôn bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh.

Hưởng lợi từ những lời chỉ trích 

Trong cuộc sống, lời chỉ trích, phê bình không phải không bao giờ xảy ra. Để đánh giá xem một người có chỉ số EQ cao hay thấp bạn có thể dựa vào thái độ mà họ đối mặt với những lời chỉ trích. Người có chỉ số EQ cao sẽ không bao giờ né tránh phê bình, chỉ trích mà xem đó là cơ hội để phát triển. Thay vì phản ứng phòng thủ, tức giận, họ thường buồn và cố gắng tự vấn bản thân để trả lời các câu hỏi như: “Mình có thể cải thiện điểm này như thế nào?”. Khả năng đón nhận lời chỉ trích bằng thái độ tích cực giúp bạn dần hoàn thiện bản thân hơn.

Thể hiện tính xác thực

Tính xác thực để đánh giá chỉ số EQ của một người đó là việc họ chia sẻ những điều đúng đắn theo nguyên tắc và giá trị của bản thân. Người có EQ cao không giả tạo, họ sống và hành động đúng với giá trị, niềm tin của mình. Tuy nhiên, họ cũng đủ tinh tế để chọn thời điểm, đối tượng phù hợp để chia sẻ, chứ không phải ai cũng chia sẻ.

Có sự đồng cảm với những người xung quanh

Một trong những đặc điểm nổi bật của người có EQ cao chính là khả năng đồng cảm sâu sắc. Họ không chỉ lắng nghe mà còn có thể đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận và thấu hiểu những gì đối phương đang trải qua – dù đó là niềm vui, nỗi buồn hay áp lực. Nhờ vậy, họ dễ xây dựng được những mối quan hệ bền vững và đầy sự tin tưởng.

Đặc điểm nổi bật của người có EQ cao là khả năng đồng cảm sâu sắc

Đặc điểm nổi bật của người có EQ cao là khả năng đồng cảm sâu sắc

Biết cách khen ngợi những người xung quanh 

Khen đúng người – đúng thời điểm là nghệ thuật giao tiếp mà người có EQ cao rất thành thạo. Họ không khen xã giao hay lấy lòng, mà luôn chú ý đến những điểm tích cực thực sự của người khác để công nhận. Những lời động viên, khen ngợi từ họ thường mang lại cảm hứng, sự tự tin và tác động tích cực đến người nghe.

Đưa ra những lời nhận xét có ích

Khi cần đưa ra góp ý, người có trí tuệ cảm xúc cao không bao giờ chê bai hay làm người khác mất mặt. Họ luôn chọn cách nói khéo léo, nhẹ nhàng nhưng vẫn đủ rõ ràng để người nghe tiếp nhận và cải thiện. Những góp ý của họ thường được nhìn nhận như sự giúp đỡ chân thành chứ không phải phê phán gay gắt.

Biết nói lời xin lỗi khi cần thiết

EQ cao thể hiện qua việc không ngần ngại nói lời xin lỗi. Họ đủ trưởng thành để nhận trách nhiệm về mình khi mắc sai lầm và biết rằng lời xin lỗi đúng lúc có thể hàn gắn nhiều điều. Thậm chí, đôi khi họ sẵn sàng xin lỗi dù không hoàn toàn sai – chỉ vì họ đặt giá trị của mối quan hệ cao hơn cái tôi cá nhân.

Biết tha thứ và bỏ qua

Người có EQ cao không để những tổn thương và cảm xúc tiêu cực chi phối quá lâu. Dù họ có cảm thấy tổn thương hay giận dữ như thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn luôn bao dung và tha thứ cho mọi người. Họ luôn tích cực trong cuộc sống, không để những tổn thương chi phối quá lâu. Họ hiểu rằng giữ mãi sự tiêu cực chỉ khiến bản thân mệt mỏi và cản bước phát triển.

Biết giữ lời hứa

Một người có trí tuệ cảm xúc cao luôn giữ chữ tín, dù là lời hứa nhỏ nhất. Họ coi trọng trách nhiệm trong lời nói và hành động. Vì vậy những người có EQ cao thường là những người rất đáng tin cậy trong mắt bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh.

Biết giúp đỡ người khác 

Giúp đỡ người khác là phản xạ tự nhiên của những ai có EQ cao. Họ không tính toán hay mong đợi điều gì đáp lại, mà đơn giản là muốn lan tỏa điều tích cực. Niềm vui của người khác chính là động lực để họ tiếp tục sẻ chia.

Người có chỉ số EQ cao luôn biết cách giúp đỡ người khác

Người có chỉ số EQ cao luôn biết cách giúp đỡ người khác

Biết cách bảo vệ bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực

Nhắc đến tiêu chí đánh giá chỉ số EQ là gì? Không thể không nhắc đến tiêu chí biết cách bảo vệ bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực. Thay vì để bản thân rơi vào những vòng xoáy tiêu cực, người EQ cao chọn cách tìm ra điểm sáng trong mỗi tình huống. Họ biết cách tạo cho mình “vùng an toàn cảm xúc”, không để môi trường hay người khác làm tổn thương mình lâu dài.

Nắm bắt được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân

Không ai hoàn hảo và người EQ cao luôn hiểu điều đó. Họ khiêm tốn, không ngừng tự soi chiếu bản thân để nhận ra đâu là thế mạnh cần phát huy, đâu là hạn chế cần khắc phục. Nhờ sự tự nhận thức này, họ luôn có những bước tiến ổn định trong cuộc sống lẫn sự nghiệp.

Luôn tự động viên bản thân

Không phải ai cũng có người đồng hành mọi lúc. Vì vậy, người có chỉ số EQ cao luôn rèn cho mình khả năng tự khích lệ. Dù có vấp ngã, họ vẫn nhủ lòng: “Cố lên, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi!” – và tiếp tục bước đi mạnh mẽ, tích cực hơn mỗi ngày.

Một số cách giúp cải thiện chỉ số EQ

Qua nội dung chia sẻ chỉ số EQ là gì ở phần trên, chắc chắn bạn đã có thể đánh giá được về chỉ số EQ mà mình đang sở hữu. Nếu bạn là một người có chỉ số EQ chưa được cao cho lắm thì bạn có thể cải thiện, tập luyện hàng ngày qua một số phương pháp sau:

Ghi chép và xem xét lại hành trình của bản thân mỗi ngày

Một trong những cách đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả để cải thiện chỉ số EQ chính là rèn luyện thói quen ghi chép và nhìn lại chính mình sau mỗi ngày. Việc này không tốn nhiều thời gian, nhưng mang lại cho bạn sự thấu hiểu sâu sắc về hành vi, cảm xúc và cách bạn tương tác với người khác.

Bạn hãy dành vài phút mỗi tối để tự hỏi bản thân những câu như:

  • Hôm nay mình đã làm được điều gì tích cực?

  • Có khoảnh khắc nào mình khiến người khác không thoải mái không? Vì sao lại như vậy?

  • Liệu lời nói hay hành động của mình có truyền được động lực cho ai không?

  • Trong cả ngày, mình đã cố gắng đến mức nào?

Việc viết ra và suy ngẫm giúp bạn không chỉ hiểu rõ mình hơn, mà còn dần dần điều chỉnh được cảm xúc, hành vi theo hướng tích cực hơn. Đây là bước đầu tiên trong hành trình nâng cao trí tuệ cảm xúc – nhẹ nhàng, bền vững và hiệu quả lâu dài.

Rèn luyện thói quen ghi chép để cải thiện chỉ số EQ

Rèn luyện thói quen ghi chép để cải thiện chỉ số EQ

Học cách lắng nghe

Lắng nghe – tưởng đơn giản, nhưng lại là một nghệ thuật mà không phải ai cũng thành thạo. Người có chỉ số EQ cao thường là những người biết lắng nghe bằng cả trái tim, không chỉ nghe lời nói, mà còn cảm được cảm xúc phía sau từng câu chữ.

Để thực sự thấu hiểu người khác, hãy tập đặt mình vào vị trí của họ và tự hỏi: “Nếu mình là họ, trong hoàn cảnh đó, mình sẽ cảm thấy như thế nào?” Từ sự đồng cảm này, bạn không chỉ hiểu hơn về người đối diện, mà còn soi chiếu được chính bản thân mình, những điểm mạnh, điểm yếu và cả những điều cần cải thiện.

Lắng nghe không chỉ giúp bạn trở thành người bạn, người đồng nghiệp lý tưởng mà còn là chìa khóa giúp các mối quan hệ trở nên bền chặt và ý nghĩa hơn mỗi ngày.

Đi ra khỏi vùng an toàn

Muốn phát triển EQ, bạn cần chấp nhận rằng mình sẽ phải đối mặt với những điều không quen thuộc. Bước ra khỏi vùng an toàn không chỉ là thử một công việc mới hay gặp gỡ người lạ – đó còn là dũng cảm đối mặt với cảm xúc tiêu cực, thử thách chính mình và mở rộng giới hạn tư duy.

Mỗi trải nghiệm mới là một cơ hội để bạn rèn luyện khả năng thích nghi, giao tiếp, và xử lý cảm xúc trong môi trường đa dạng. Càng nhiều trải nghiệm, EQ của bạn càng được bồi đắp. Từ đó, bạn sẽ trở nên bản lĩnh, linh hoạt và sâu sắc hơn trong cuộc sống lẫn công việc.

Kết luận

Hiểu rõ chỉ số EQ là gì chính là bước đầu giúp bạn nâng cao khả năng thấu cảm, kiểm soát cảm xúc và xây dựng các mối quan hệ tích cực. Mong rằng những thông tin trong bài viết hữu ích cho bạn. Hãy rèn luyện EQ mỗi ngày để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình và lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người xung quanh.

Trở thành hội viên
0/5 - (0 bình chọn)