Voice Talent chính là người đứng sau những video có giọng kể chuyện truyền cảm hứng hay những bộ phim hoạt hình được lồng tiếng hoàn hảo. Voice Talent sử dụng giọng nói như một công cụ nghệ thuật chuyên nghiệp để truyền tải cảm xúc, nội dung và thông điệp. Vậy cụ thể Voice Talent là gì? Công việc chính của Voice Talent bao gồm những gì? Hãy cùng Unica khám phá chi tiết qua nội dung bài viết dưới đây nhé.
Voice talent là gì?
Voice Talent là thuật ngữ chuyên dùng trong lĩnh vực truyền thông, giải trí để chỉ những người có kỹ năng sử dụng giọng nói chuyên nghiệp để ghi âm, thuyết minh hoặc lồng tiếng cho các sản phẩm truyền thông như: quảng cáo, phim ảnh, video giới thiệu, game, sách nói, chương trình truyền hình,... Voice talent không chỉ sở hữu chất giọng tốt mà còn biết cách kiểm soát nhịp điệu, cảm xúc và cách phát âm để truyền đạt thông tin một cách hiệu quả và lôi cuốn.
Voice talent là gì?
Tìm hiểu Voice Talent trong các lĩnh vực
Voice Talent không chỉ đơn thuần là người đọc thoại mà còn là nghệ sĩ thực thụ có khả năng truyền đạt cảm xúc, tạo nên dấu ấn riêng của mình thông qua giọng nói. Tùy vào từng lĩnh vực cụ thể, vai trò của họ sẽ có sự khác biệt rõ rệt và đòi hỏi những kỹ năng, phong cách thể hiện riêng.
Lĩnh vực quay TVC quảng cáo
Trong lĩnh vực TVC quảng cáo, giọng nói đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó có khả năng tạo ra ấn tượng đầu tiên mạnh mẽ chỉ trong vài giây. Voice Talent trong lĩnh vực TVC làm nhiệm vụ chính là truyền tải thông điệp thương hiệu một cách rõ ràng, cảm xúc và thuyết phục.
Người làm Voice Talent trong lĩnh vực TVC phải thể hiện đúng tone giọng phù hợp với sản phẩm. Tức là phải biết cách biến đổi tone giọng từ trẻ trung, vui tươi đến trầm ấm, tin cậy tùy vào lĩnh vực đang quảng cáo. Theo đánh giá của các chuyên gia làm trong lĩnh vực marketing cho biết: Một TVC thành công không chỉ nhờ hình ảnh bắt mắt mà còn bởi một giọng đọc có khả năng chạm tới cảm xúc người nghe.
Voice Talent trong lĩnh vực TVC cần có tone giọng phù hợp với sản phẩm
Lĩnh vực phim ảnh
Người làm Voice Talent trong phim ảnh thường đảm nhận hai vai trò chính:
-
Lồng tiếng (Dubbing Artist) cho phim nước ngoài
-
Diễn xuất giọng nói (Voice Actor) cho phim hoạt hình hoặc phim 3D
Trong phim lồng tiếng, giọng nói của Voice Talent phải đồng bộ hoàn toàn với khẩu hình và cảm xúc của nhân vật gốc. Để làm được điều này, nó đòi hỏi người làm Voice Talent trong lĩnh vực phim ảnh phải có kỹ thuật cao, phản xạ tốt và khả năng nhập vai mạnh mẽ.
Đối với phim hoạt hình, Voice Talent tự tạo nhân vật từ giọng nói của mình làm sao xây dựng tính cách, cảm xúc và sức sống cho từng vai diễn. Từ đó, khiến khán giả “tin” và “thích” nhân vật, dù chỉ nghe chứ không thấy người thật.
Công việc thường ngày của một Voice Talent
Về cơ bản công việc chính của một Voice Talent chỉ xoay quanh việc đọc. Tuy nhiên, đọc ở đây có nhiều loại khác nhau. ưới đây là những đầu việc phổ biến mà một Voice Talent thường đảm nhiệm trong cuộc sống hằng ngày:
Đọc quảng cáo
Đọc quảng cáo là một trong những công việc phổ biến nhất. Voice Talent sẽ đọc các đoạn quảng cáo trên radio, TV, mạng xã hội hoặc video thương hiệu. Để thành thạo và tự tin khi đảm nhiệm công việc này, họ cần nắm rõ đặc điểm cũng như tinh thần của sản phẩm để điều chỉnh tone giọng theo yêu cầu (trẻ trung, nghiêm túc, sang trọng, hài hước...) và đọc sao cho lôi cuốn chỉ trong vài chục giây.
Lồng tiếng
Công việc này yêu cầu Voice Talent nhập vai nhân vật trong phim, hoạt hình hoặc chương trình truyền hình. Họ phải thể hiện cảm xúc, nhấn nhá đúng lúc và đồng bộ hoàn hảo với khẩu hình gốc. Đây là công việc yêu cầu tính kỹ thuật rất cao, thường đi kèm với việc tập luyện kịch bản nhiều lần trước khi thu âm chính thức.
Công việc chính của Voice Talent là lồng tiếng
Phát thanh viên
Một số Voice Talent làm việc trong các đài phát thanh hoặc truyền hình, đảm nhận vai trò phát thanh viên. Họ giới thiệu bản tin, dẫn dắt chương trình hoặc đọc các thông điệp. Yêu cầu giọng đọc đối với một phát thanh viên đó là phải rõ ràng, chính xác và truyền cảm.
Đọc sách nói
Công việc của Voice Talent cũng có thể là đọc sách nói hay đọc trong các chương trình đọc truyện. Voice Talent đọc toàn bộ một cuốn sách, bao gồm cả lời dẫn, lời thoại và mô tả. Đây là công việc đòi hỏi khả năng giữ năng lượng ổn định trong thời gian dài, có thể biến hóa giọng nói cho từng nhân vật, và đặc biệt là giữ nhịp kể chuyện sao cho hấp dẫn từ đầu đến cuối.
Kỹ năng cần để trở thành Voice Talent chuyên nghiệp
Để trở thành một Voice Talent chuyên nghiệp, bạn không chỉ cần có chất giọng tốt, mà còn phải trang bị nhiều kỹ năng quan trọng khác. Dưới đây là những kỹ năng quan trọng nhất để tạo nên một Voice Talent chuyên nghiệp, bạn hãy tham khảo để biết nhé:
Giọng nói hay
Giọng nói hay, rõ ràng và giàu cảm xúc chính là yếu tố quan trọng nhất mà một Voice Talent cần có. Công việc chính của Voice Talent là đọc, vì vậy nếu không có giọng hay và truyền cảm thì rất khó thành công. Giọng của Voice Talent hay thôi chưa đủ mà còn phải dễ nghe, rõ ràng và màu sắc riêng. Đặc biệt là giọng phải truyền cảm, truyền tải được cảm xúc phù hợp với từng bối cảnh. Dù là giọng trầm ấm hay cao trong, điều quan trọng là bạn phải biết cách kiểm soát và khai thác thế mạnh của nó. Như vậy thì bạn mới có thể trở thành một Voice Talent chuyên nghiệp.
Khả năng diễn xuất bằng giọng nói
Bên cạnh giọng đọc thì khả năng diễn xuất bằng giọng nói cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Voice Talent không chỉ đọc, mà còn phải “diễn” bằng giọng nói. Việc thể hiện cảm xúc, tính cách, hoàn cảnh nhân vật thông qua giọng nói là một kỹ năng không dễ. Nó đòi hỏi Voice Talent cần phải luyện tập nhiều để có khả năng thay đổi ngữ điệu, nhấn nhá, ngắt nghỉ sao cho tự nhiên và thuyết phục người nghe.
Voice Talent chuyên nghiệp cần có khả năng diễn xuất bằng giọng nói
Kỹ năng đọc kịch bản
Voice Talent cần có kỹ năng đọc kịch bản một cách trôi chảy và chính xác để hiểu những yêu cầu của nhân vật hoặc sản phẩm. Không chỉ vậy, Voice Talent chuyên nghiệp cũng cần biết cách phân tích, hiểu rõ nội dung kịch bản để thể hiện đúng tinh thần. Việc nắm bắt nhanh thông điệp và ý đồ của khách hàng hoặc đạo diễn giúp cho phần thể hiện mượt mà và chính xác hơn. Đồng thời cũng giúp Voice Talent xử lý tình huống chuyên nghiệp nếu chẳng may có lỗi.
Am hiểu về kỹ thuật âm thanh và phần mềm
Mặc dù Voice Talent trong quá trình làm việc đã phối hợp chặt chẽ với ekip kỹ thuật nhưng để ghi âm và sản xuất được những bản ghi chất lượng, Voice Talent vẫn phải am hiểu về kỹ năng về âm thanh và phần mềm. Voice Talent cần hiểu cơ bản về các thiết bị ghi âm, phần mềm chỉnh sửa giọng và cách xử lý âm thanh. Điều này giúp bạn chủ động hơn trong công việc, đặc biệt khi làm freelance tại studio cá nhân.
Kinh nghiệm làm việc với đối tác
Để trở thành một Voice Talent chuyên nghiệp không thể thiếu được kỹ năng làm việc với đối tác. Biết cách lắng nghe yêu cầu, tiếp nhận phản hồi và làm việc đúng deadline được xem là yếu tố cần thiết nhất. Voice Talent thường cộng tác với nhiều đối tượng (đạo diễn, agency, khách hàng…), nên khả năng giao tiếp chuyên nghiệp sẽ giúp xây dựng uy tín lâu dài. Từ đó, cơ hội nghề nghiệp với nghề này mở rộng hơn rất nhiều.
Kỹ năng phân tích và đánh giá
Nhắc đến kỹ năng cần có của Voice Talent là gì, không thể không nhắc đến kỹ năng phân tích và đánh giá. Một Voice Talent giỏi cần có khả năng tự nghe lại bản thu của mình, phân tích và đánh giá để nhận ra những điểm chưa tốt của mình để điều chỉnh. Đây là yếu tố giúp cải thiện chất lượng công việc qua từng dự án.
Kiên trì và tập trung
Nghề Voice Talent không phải cứ đọc được là sẽ thành công, nói đòi hỏi sự kiên trì và tập trung cao độ. Có thể nói, Voice Talent là nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ và tinh thần kiên nhẫn. Một dự án có thể yêu cầu bạn thu đi thu lại nhiều lần để đạt được độ hoàn hảo. Sự tập trung cao độ trong từng câu thoại chính là yếu tố quan trọng để bạn giữ chất lượng luôn ổn định.
Người làm Voice Talent cần có sự kiên trì và tập trung cao độ
Cơ hội nghề nghiệp và phát triển trong lĩnh vực Voice Talent
Với sự bùng nổ mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện và nội dung số, Voice Talent đang dần trở thành một nghề nghiệp tiềm năng với nhiều cơ hội rộng mở. Công việc dành cho Voice Talent ngày càng đa dạng từ lồng tiếng quảng cáo, phim ảnh, game, đến đọc sách nói, dẫn chương trình, hay thậm chí là trở thành giọng đọc chính cho các khóa học e-learning, ứng dụng công nghệ AI giọng nói,...
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của podcast, livestream và các nền tảng video cũng tạo điều kiện cho Voice Talent mở rộng phạm vi hoạt động và tiếp cận khán giả theo cách riêng biệt. Voice Talent có thể hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau nên không lo thất nghiệp.
Không chỉ có cơ hội nghề nghiệp phong phú, lĩnh vực này còn mang đến khả năng làm việc linh hoạt, tự do về thời gian và không gian. Bạn có thể trở thành freelancer, cộng tác viên cho các studio lớn, hoặc tự xây dựng thương hiệu cá nhân để nhận dự án từ nhiều nguồn.
Với một profile chuyên nghiệp và giọng đọc chất lượng, thu nhập của một Voice Talent rất hấp dẫn, đặc biệt khi hợp tác với các dự án quốc tế. Thực tế đã ghi nhận, mỗi đoạn TVC quảng cáo tuy chỉ dài chừng 15 đến 30 giây và đọc chỉ vài giây vẻn vẹn cũng có thể giúp bạn kiếm được một khoản thu nhập đáng kể.
Các voice talent Việt Nam nổi tiếng hiện nay
Thị trường voice talent tại Việt Nam ẩn chứa những cái tên quyền lực mà khán giả hiếm khi được thấy mặt, nhưng giọng nói của họ lại vang vọng khắp mọi ngõ ngách đời sống qua hàng loạt quảng cáo truyền hình (TVC). Họ là những "phù thủy âm thanh" thực thụ: Đông Quân, Bích Ngọc, Trung Châu, Kim Phụng, Mai Trinh, Thy Mai, Đạt Phi...
Dù không xuất hiện trực tiếp, nhưng tiếng nói của những nghệ sĩ này đã trở thành một phần không thể thiếu, định hình cảm xúc và tạo dựng niềm tin cho vô số thương hiệu lớn. Các công ty truyền thông hàng đầu đều khẳng định chắc nịch: họ là những mảnh ghép không thể thay thế để tạo nên sức hút cho mỗi TVC. Giọng đọc của họ không chỉ là âm thanh đơn thuần, mà đã trở thành dấu ấn thương hiệu, khắc sâu vào tâm trí người nghe, biến sản phẩm trở nên gần gũi và đáng tin cậy hơn bao giờ hết. Họ chính là những "người hùng thầm lặng" góp phần làm nên thành công của ngành quảng cáo Việt Nam.
Voice talent Phan Thị Bích Ngọc
Cô Bích Ngọc là một diễn viên lồng tiếng kỳ cựu của Việt Nam. Con đường nghệ thuật của cô bắt đầu từ khá sớm:
-
Từ 1980 đến 1984: Cô học chuyên ngành diễn viên kịch nói tại Trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2. Đây là nền tảng vững chắc cho tài năng của cô sau này.
-
Từ 1986 đến 1990: Cô hoạt động với vai trò diễn viên kịch nói tại đoàn kịch nổi tiếng Kim Cương.
-
Năm 1991: Cô bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực lồng tiếng và nhanh chóng gia nhập nhóm lồng tiếng của Sài Gòn Phim (chuyên lồng tiếng cho phim TVB Hong Kong).
Phan Thị Bích Ngọc
Đến nay, cô Bích Ngọc vẫn rất bận rộn với công việc lồng tiếng cho nhiều hãng phim, điển hình là hãng Sanyang (Đài Loan) và công ty phim Song Minh (Việt Nam). Đặc biệt, giọng đọc của cô còn rất quen thuộc với khán giả HTV khi cô thường xuyên cộng tác thuyết minh cho đài truyền hình này. Hiện tại, cô cũng là hội viên của Hội Điện ảnh TP.HCM, khẳng định vị trí và đóng góp của mình trong ngành.
Một số bộ phim tiêu biểu:
- Ỷ thiên đồ long ký
- Anh hùng xạ điêu
- Tiếu ngạo giang hồ
- Tây du ký
- Cung tâm kế
- Thần điêu đại hiệp
Voice talent Huyền Chi
Khi nhắc đến những giọng nói gắn liền với ký ức tuổi thơ và những bộ phim đình đám, không thể không kể đến Võ Huyền Chi – hay quen thuộc hơn với cái tên Huyền Chi - Voice Talent. Sinh năm 1984 và hiện đang sống tại TP.HCM, cô là một trong những diễn viên lồng tiếng gạo cội và được yêu mến nhất Việt Nam.
Võ Huyền Chi
Với kinh nghiệm dày dặn, trước khi đầu quân cho ACE MEDIA hiện tại, Huyền Chi từng là gương mặt quen thuộc tại TVM Corp. (trước năm 2015). Điều làm nên tên tuổi của cô không chỉ dừng lại ở việc lồng tiếng đơn thuần cho phim. Huyền Chi còn là người thổi hồn Việt vào lời bài hát cho rất nhiều bộ phim chiếu trên HTV3. Chắc chắn bạn sẽ nhận ra giọng cô qua các vai diễn kinh điển như Kinomoto Sakura trong Cardcaptor Sakura, Mori Ran trong Thám tử lừng danh Conan, hay thậm chí là ca khúc "Doraemon no Uta" phiên bản tiếng Việt mà ai cũng thuộc nằm lòng!
Hãy cùng điểm qua "gia tài" đồ sộ của Huyền Chi, nơi giọng nói của cô đã hóa thân thành vô vàn nhân vật, mang đến cảm xúc chân thực cho khán giả:
Phim Truyền Hình (Lồng Tiếng)
Từ những cô gái cá tính đến những bà mẹ đáng yêu, Huyền Chi đã biến hóa đa dạng:
-
Bong Yi (Cười lên Dong Hae)
-
Shin Yoon Bok (Họa sĩ gió)
-
Go Eun Nim (Ngàn lần yêu em)
-
Go Eun Chan (Quán cà phê hoàng tử)
-
Go Mi Nam (Cô nàng đẹp trai)
-
Shin Ji (Gia đình là số một)
-
Hae Ri và Hwang Jung Eum (Gia đình là số một (Phần 2))
-
Hwang Jung Eum, Soo Young, Sun Ja (Ngôi sao khoai tây - Bản lồng tiếng AMC TV)
-
Dong Goo (Nữ hoàng lớp học)
-
Wuldo (Hãy cười lên nào)
-
Go Hye Mi (Bay cao ước mơ)
-
Lee Mi Joo (Cuộc đời lớn)
-
Go Eun Sung (Người thừa kế sáng giá)
-
Eun Sang (Người thừa kế)
-
Sung Siwon (Lời hồi đáp 1997)
-
Kim Yang-ah (Dịch vụ gia đình)
-
Son Yeo-ri / Yoon Seol (Người mẹ không tên)
Phim Hoạt Hình (Lồng Tiếng)
Đây chính là "miền đất hứa" nơi Huyền Chi đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng thế hệ khán giả Việt:
-
Sakura Kinomoto (Thủ lĩnh thẻ bài)
-
Clone Sakura (Huyền thoại đôi cánh)
-
Ran Mori (112 tập đầu Thám tử lừng danh Conan)
-
Dorami (Doraemon, 104 tập đầu trên HTV3)
-
Mẹ Shizuka (Doraemon 52 tập đầu trên HTV3)
-
Na Tra (Na Tra truyền kỳ)
-
A Bố (Tiểu long A Bố)
-
Bé Tuyết (Cậu bé Tuyết)
-
Wakkun (Lạc vào ký ức)
-
Triển Chiêu (Tiểu Bao Thanh Thiên)
-
ChiHo-ChiSe (Kobato - những viên kẹo hạnh phúc)
-
Kotaro, bà lão (Mèo máy Kuro)
Phim Điện Ảnh (Lồng Tiếng)
Không chỉ phim bộ, Huyền Chi còn góp giọng trong nhiều bộ phim điện ảnh đình đám:
-
Doremi trong Doremon
-
Musashi trong Pokemon
-
Anastasia (Anastasia nàng công chúa cuối cùng của nước Nga)
-
Hermione Granger (Harry Potter)
-
Jewel (Rio)
-
Erika (Barbie: Công Chúa Bất Đắc Dĩ)
Ngoài ra, Huyền Chi còn thường xuyên lồng tiếng nhạc phim cho cả phim hoạt hình và phim truyền hình. Có thể nói, Huyền Chi không chỉ là một diễn viên lồng tiếng, mà còn là một phần ký ức đẹp của rất nhiều người Việt Nam qua những giọng nói và bài hát cô thể hiện.
Voice Talent Trấn Thành
Khi nhắc đến Trấn Thành, hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một nghệ sĩ đa tài: từ diễn viên hài, điện ảnh cho đến MC "đắt show" nhất nhì Việt Nam. Sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, Trấn Thành không chỉ có tài ăn nói lưu loát mà còn sở hữu một biệt tài ít người biết đến: khả năng nhái giọng cực đỉnh!
MC Trấn Thành
Anh có thể "biến hóa" giọng hát, giọng nói của hàng loạt sao Việt đình đám như Lam Trường, Ngọc Sơn, Duy Mạnh, Thanh Lam, Hồng Ngọc, hay các nghệ sĩ kỳ cựu như Việt Anh, Thành Lộc, Việt Hương, Phi Thanh Vân, Minh Nhí, Trung Dân và cả nghệ sĩ Lệ Thủy. Chính nhờ khả năng bắt chước giọng nói "thần sầu" này mà Trấn Thành đã dễ dàng lấn sân sang lĩnh vực lồng tiếng và gặt hái không ít thành công.
Anh đã góp giọng vào nhiều bộ phim hoạt hình Hollywood nổi tiếng, mang đến những vai diễn đầy hài hước và ấn tượng:
-
Sóc chuột siêu quậy 3
-
Madagascar 3: Thần tượng châu Âu
-
Kẻ trộm mặt trăng 2
-
Turbo: Tay đua siêu tốc
Dù không phải là một voice talent chuyên nghiệp từ đầu, Trấn Thành đã chứng minh được tài năng đặc biệt của mình trong lĩnh vực này, khiến khán giả vô cùng thích thú với những nhân vật anh lồng tiếng.
Kết luận
Qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ voice talent là gì và hiểu vì sao nghề này lại hot như vậy. Dù là trong lĩnh vực quảng cáo, phim ảnh, sách nói hay phát thanh, Voice Talent luon phát huy vai trò quan trọng của mình để tạo nên trải nghiệm âm thanh chất lượng, thu hút người nghe nhất. Nếu bạn đang có đam mê với nghề sử dụng giọng nói để kiếm tiền, hãy tham khảo kỹ nội dung bài viết để hiểu rõ hơn về những kỹ năng cần trang bị cho mình nhé.