Thanh điệu trong tiếng Trung là yếu tố cốt lõi giúp người học phát âm chính xác và giao tiếp hiệu quả. Với hệ thống bốn thanh điệu chính và các quy tắc biến điệu, việc nắm vững cách phát âm sẽ giúp bạn tránh nhầm lẫn trong hội thoại. Qua bài viết này, Unica sẽ chia sẻ 4 Thanh điệu trong tiếng Trung: Cách sử dụng, đọc và viết đúng. Cùng tìm hiểu ngay.
Thanh điệu trong tiếng trung là gì?
Thanh điệu trong tiếng Trung 声调 /shēngdiào/ phản ánh sự biến đổi về độ cao, độ dài của một âm tiết khi phát âm. Một âm tiết trong tiếng Trung được cấu thành từ thanh mẫu, vận mẫu và thanh điệu. Trong đó, thanh điệu đóng vai trò quan trọng trong việc phân biệt nghĩa của từ. Mỗi chữ Hán thông thường đại diện cho một âm tiết và sự thay đổi thanh điệu có thể làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của từ.
Thanh điệu trong tiếng Trung phản ảnh sự biến đổi về cao độ và độ dài của âm tiết khi phát âm
Ví dụ minh họa sự khác biệt về nghĩa khi thay đổi thanh điệu trong tiếng Trung:
-
高 (gāo): Thanh điệu 1, có nghĩa là cao.
-
搞 (gǎo): Thanh điệu 3, có nghĩa là làm, tiến hành.
-
稿 (gǎo): Thanh điệu 3, mang nghĩa bản thảo, bài viết nháp.
-
告 (gào): Thanh điệu 4, có nghĩa là báo cáo, tố cáo.
-
噶 (ga): Thanh nhẹ, thường xuất hiện trong phương ngữ hoặc thán từ.
Như vậy, chỉ cần thay đổi thanh điệu, cùng một âm tiết có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong tiếng Trung.
Tầm quan trọng của học thanh điệu trong tiếng trung
Thanh điệu trong tiếng trung giúp truyền đạt cảm xúc và ý nghĩa của từ ngữ tới người nghe nhằm giao tiếp hiệu quả hơn. Về cơ bản, thanh điệu có 3 vai trò chính như sau:
- Hiểu từ chính xác: Người ta có thể phân biệt các từ có âm tương tự nhau nhưng mang ý nghĩa khác nhau nhờ thanh điệu.
- Tránh hiểu lầm: Phát âm chuẩn thanh điệu giúp truyền tải ý nghĩa rõ ràng mà không gây hiểu nhầm. Một âm tiết giống nhau có nhiều ý nghĩa nếu thanh điệu khác nhau.
- Giao tiếp rõ ràng: Dùng thanh điệu đúng cách sẽ giúp ý định của bạn truyền tải chính xác mà không cần giải thích lại.
Nếu bạn muốn nâng cao kỹ năng này, hãy tham khảo các khóa học và tài liệu học tiếng trung online tại Unica chỉ từ 199k.
4 thanh điệu trong tiếng Trung và cách sử dụng
Trong tiếng Trung, có bốn thanh điệu cơ bản, mỗi thanh có đặc trưng riêng biệt về cách phát âm và độ cao giọng. Dưới đây là mô tả chi tiết về từng loại thanh điệu:
Thanh điệu 1 (Thanh ngang) - Âm điệu phẳng
-
Mô tả: Thanh điệu thứ nhất, còn gọi là thanh ngang (阴平), có đặc điểm giọng cao và giữ nguyên, không có sự thay đổi về cao độ trong suốt quá trình phát âm. Khi phát âm thanh này, người nói duy trì giọng ở mức cao và đều.
-
Ví dụ: Chữ 衣 (yī) có nghĩa là "quần áo", được phát âm với âm thanh cao, đều, không trầm bổng.
-
Đặc điểm: Âm thanh ổn định, giống như khi hát một nốt nhạc cao mà không có sự thay đổi về cao độ.
Thanh điệu 2 (Thanh lên) - Âm đi lên
-
Mô tả: Thanh điệu thứ hai, còn được gọi là thanh dương bình (阳平), có đặc trưng là giọng tăng dần từ thấp lên cao. Cách phát âm của thanh này tương tự như khi đặt một câu hỏi với giọng điệu tăng lên ở cuối.
-
Ví dụ: Chữ 鱼 (yú) có nghĩa là "cá", được phát âm với giọng bắt đầu từ mức trung bình thấp rồi tăng dần lên cao.
-
Đặc điểm: Âm thanh chuyển từ thấp lên cao, tạo cảm giác nhấn mạnh hoặc mang tính chất nghi vấn.
Các thanh điệu trong tiếng Trung lần lượt là thanh ngang, thanh lên, thanh lượn và thanh xuống
Thanh điệu 3 (Thanh lượn) - Âm đi xuống rồi đi lên
-
Mô tả: Thanh điệu thứ ba, còn gọi là thanh thượng (上声), có sự biến đổi rõ rệt trong quá trình phát âm. Giọng bắt đầu từ mức trung bình, hạ xuống thấp rồi có thể hơi nhấc lên ở cuối. Đây là thanh điệu có hình dạng giống như một đường cong hướng xuống rồi lên.
-
Ví dụ: Chữ 狗 (gǒu) có nghĩa là "chó", khi phát âm có sự hạ giọng xuống trước khi nâng lên nhẹ ở cuối.
-
Đặc điểm: Âm thanh có sự thay đổi rõ rệt, tạo cảm giác trầm bổng, giống như thể hiện sự ngập ngừng hoặc nhấn mạnh ý nghĩa trong câu nói.
Thanh điệu 4 (Thanh xuống) - Âm hạ thấp đột ngột
-
Mô tả: Thanh điệu thứ tư, hay còn gọi là thanh khứ (去声), có đặc điểm giọng giảm xuống mạnh và nhanh chóng từ cao xuống thấp. Cách phát âm tạo cảm giác quyết đoán, giống như khi ra lệnh hoặc thể hiện sự tức giận.
-
Ví dụ: Chữ 快 (kuài) có nghĩa là "nhanh", được phát âm với giọng bắt đầu cao và hạ xuống đột ngột.
-
Đặc điểm: Âm thanh có nhịp điệu dứt khoát, ngắn gọn, tạo cảm giác mạnh mẽ, thường xuất hiện trong những câu có tính chất khẳng định hoặc ra lệnh.
Cách phát âm thanh điệu tiếng Trung
Để phát âm chính xác các thanh điệu trong tiếng Trung, người học cần nắm vững cách điều chỉnh cao độ và sự biến đổi âm thanh của từng thanh. Việc hiểu rõ cơ chế này giúp cải thiện khả năng giao tiếp, tránh nhầm lẫn trong phát âm.
Thanh 1 (Thanh ngang)
Thanh 1 có cao độ ổn định ở mức cao nhất (55) và được duy trì đều mà không có sự biến đổi. Khi phát âm, dây thanh quản ở trạng thái căng, tạo ra âm thanh ngân nga, không dao động lên xuống. Đây là thanh điệu nền tảng quyết định độ chính xác của các thanh khác, do đó, việc nắm vững cách phát âm thanh này là rất quan trọng.
Lỗi sai thường gặp và cách khắc phục:
-
Phát âm không đủ cao: Hãy luyện tập bằng cách chọn các vận mẫu đơn giản, đọc chúng ở các cao độ khác nhau từ thấp đến cao để cảm nhận được độ căng của dây thanh. Sau đó, giữ mức cao nhất làm tiêu chuẩn cho thanh 1.
-
Phát âm bị dao động: Khi luyện tập, cố gắng kéo dài âm thanh ở một cao độ cố định mà không có sự thay đổi lên xuống. Điều này giúp tạo ra âm thanh ổn định, không bị chênh lệch.
Thanh 2 (Thanh đi lên)
Thanh 2 có cao độ dao động từ trung bình đến cao (35), tạo ra cảm giác giọng nói đi lên như khi đặt câu hỏi. Khi phát âm, dây thanh quản bắt đầu từ trạng thái hơi căng và tăng dần.
Lỗi sai thường gặp và cách khắc phục:
-
Phát âm giống dấu sắc trong tiếng Việt: Trong tiếng Việt, dấu sắc có xu hướng bắt đầu từ cao độ sẵn có, dẫn đến âm thanh không rõ sự đi lên. Để khắc phục, hãy bắt đầu ở mức thấp và nâng dần lên. Một mẹo hữu ích là đọc thanh 4 trước để dây thanh được thả lỏng, sau đó ngay lập tức phát âm thanh 2 để tạo sự chuyển động lên tự nhiên.
-
Âm thanh thiếu độ vang và chiều sâu: Khi kết thúc thanh 2, cần thu lưỡi lại để tạo độ vang, tránh để hơi thoát ra quá nhanh, giúp âm thanh tròn và rõ nét hơn.
Cách phát âm thanh điệu 1 và thanh 2
Thanh 3 (Thanh lượn xuống rồi lên)
Thanh 3 có cao độ biến đổi theo mô hình 214, tức là âm bắt đầu ở mức trung bình thấp, hạ xuống thấp nhất rồi nâng lên cao. Khi phát âm, dây thanh chuyển từ trạng thái hơi chùng sang chùng hẳn rồi căng lên.
Lỗi sai thường gặp và cách khắc phục:
-
Phát âm giống dấu hỏi trong tiếng Việt: Trong tiếng Việt, dấu hỏi thường không có sự nâng giọng ở cuối. Để tránh lỗi này, khi đến phần hạ giọng, hãy ấn cuống lưỡi vào vòm họng để tạo cảm giác nghẹn nhẹ, sau đó đẩy âm lên cao.
-
Phát âm mất cân bằng giữa phần xuống và lên: Nếu phần xuống quá ngắn và phần lên quá dài, hãy luyện tập kéo dài âm trầm giống như khi đọc dấu hỏi tiếng Việt. Sau đó, gập cằm nhẹ để kiểm soát sự thay đổi cao độ một cách mượt mà.
Thanh 4 (Thanh đi xuống)
Thanh 4 có cao độ giảm mạnh từ mức cao xuống thấp nhất (51), tương tự như khi phát âm "á" thành "à". Đặc điểm của thanh này là đường cong xuống rõ ràng, chứ không phải là đường thẳng. Khi phát âm, dây thanh quản bắt đầu căng rồi nhanh chóng chùng xuống.
Lỗi sai thường gặp và cách khắc phục:
-
Nhầm với dấu huyền trong tiếng Việt: Âm thanh cần được phát ra theo đường cong, đảm bảo sự chuyển động mượt mà chứ không bị đều như dấu huyền.
-
Phát âm giống dấu nặng: Khi đọc, cần giữ âm đi xuống nhưng kéo dài hơn, tránh để lưỡi chặn cuống họng, cuối âm phải nghe rõ sự giảm dần của giọng nói.
-
Nhầm lẫn với thanh 1: Cần đảm bảo âm đi xuống có biên độ rõ ràng. Khi đọc từ ghép có thanh 4 đứng đầu, hãy phát âm thanh này đầy đủ trước khi chuyển sang âm tiếp theo.
Cách phát âm thanh điệu 3 và thanh điệu 4
Cách viết thanh điệu tiếng Trung
Mặc dù đã nắm rõ các thanh điệu trong tiếng Trung, tuy nhiên nhiều bạn vẫn chưa biết cách đặt thanh điệu ở đâu cho đúng, hay phải làm thế nào để đánh dấu một cách chính xác nhất. Ở đây, Unica sẽ hướng dẫn các bạn cách đánh dấu thanh điệu ở trong thực tế và trên các thiết bị điện tử để phù hợp với sự phát triển và ứng dụng của công nghệ hiện nay.
Cách đánh dấu thanh điệu tiếng Trung
Trong tiếng Trung, thanh điệu được biểu thị bằng các dấu đặt trên nguyên âm của âm tiết. Cụ thể:
-
Thanh 1 (ngang, -): Được đặt trên đầu nguyên âm, thể hiện âm cao và bằng phẳng. Ví dụ: mā.
-
Thanh 2 (lên, ˊ): Dấu chéo hướng lên từ trái sang phải, biểu thị âm đi lên. Ví dụ: má.
-
Thanh 3 (xuống - lên, ˇ): Có dạng móc hoặc chữ "v" ngược, biểu thị âm trầm rồi nâng lên. Ví dụ: mǎ.
-
Thanh 4 (xuống, ˋ): Dấu chéo hướng xuống từ trái sang phải, thể hiện âm rơi mạnh. Ví dụ: mà.
Cách viết thanh điệu trong trường hợp viết Tay cần phải tuân thủ một số quy tắc
Khi ghi thanh điệu trong tiếng Trung, bạn cần tuân theo các quy tắc sau:
Trường hợp nguyên âm đơn: Đánh dấu trực tiếp lên nguyên âm, ví dụ: bà, hé, fù, nà.
Trường hợp nguyên âm kép:
-
Nếu có chữ "a", thanh điệu sẽ được đánh dấu trên "a". Ví dụ: hǎo, zhūan.
-
Nếu không có "a" nhưng có "o", đánh dấu thanh điệu lên "o". Ví dụ: ǒu, iōng.
-
Nếu không có "a" hay "o" nhưng có "e", đặt dấu trên "e". Ví dụ: ēi, iě.
-
Với nguyên âm kép "iu", dấu thanh điệu được đặt trên "u". Ví dụ: iǔ.
-
Với nguyên âm kép "ui", thanh điệu nằm trên "i". Ví dụ: uī.
Cách viết thanh điệu trên điện thoại
Bạn có thể nhập thanh điệu tiếng Trung trên điện thoại bằng bàn phím Pinyin theo các bước sau:
-
Bước 1: Chuyển đổi bàn phím sang bộ gõ tiếng Trung Pinyin trên bàn phím QWERTY.
Chuyển đổi sang bàn phím tiếng Trung
-
Bước 2: Khi gõ nguyên âm đơn như a, e, o, i, u, hãy giữ phím trong khoảng 3 giây, các tùy chọn thanh điệu sẽ xuất hiện. Chọn thanh điệu phù hợp để nhập chữ.
Giữ phím trong khoảng 3 giây rồi chọn thanh điệu phù hợp để nhập chữ
Cách viết thanh điệu trên máy tính
Việc gõ thanh điệu tiếng Trung trên máy tính cũng khá đơn giản, bạn có thể thiết lập bàn phím theo cách sau:
-
Bước 1: Truy cập Control Panel trên máy tính, vào Clock & Language.
Chọn mục Clock & Language
-
Bước 2: Chọn Clock & Language, thêm ngôn ngữ Chinese Simplified.
Chọn thêm ngôn ngữ Chinese Simplified
-
Bước 3: Trong phần Input Method, chọn Microsoft Pinyin New Experience Input và nhấn OK.
Cài đặt thêm trong mục Input Method rồi ấn OK
-
Bước 4: Trên thanh tác vụ (Taskbar), nhấn vào biểu tượng ngôn ngữ và chuyển sang Microsoft Pinyin New Experience Input Style.
Trên thanh công cụ đổi sang ngôn ngữ tiếng Trung
Lưu ý: Bạn có thể dùng tổ hợp phím Windows + Space để nhanh chóng chuyển đổi giữa bàn phím tiếng Việt và tiếng Trung.
Việc thành thạo cách viết thanh điệu tiếng Trung sẽ giúp bạn nâng cao khả năng phát âm và giao tiếp chính xác hơn. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa thanh mẫu, vận mẫu và thanh điệu sẽ giúp bạn phát âm giống người bản xứ.
Quy tắc biến điệu trong tiếng Trung
Trong tiếng Trung, thanh điệu đóng vai trò quan trọng trong việc phân biệt ý nghĩa của từ. Tuy nhiên, khi các âm tiết kết hợp với nhau trong một số trường hợp, thanh điệu của chúng có thể thay đổi theo các quy tắc nhất định. Việc nắm rõ những quy tắc này giúp người học phát âm tự nhiên hơn và giao tiếp trôi chảy hơn.
Thanh nhẹ (Khinh thanh)
Thanh nhẹ (khinh thanh) là một dạng thanh điệu đặc biệt, có đặc điểm phát âm nhẹ nhàng, ngắn gọn và không có dấu hiệu lên xuống rõ rệt. Nó thường xuất hiện ở âm tiết cuối của một số từ thông dụng.
Ví dụ:
-
爸爸 (bàba) - bố: Trong đó, âm "ba" thứ hai được phát âm nhẹ.
-
妹妹 (mèimei) - em gái: Âm "mei" thứ hai được phát âm nhẹ.
-
帽子 (màozi) - cái mũ: Âm "zi" được phát âm nhẹ.
-
朋友 (péngyou) - bạn bè: Âm "you" được phát âm nhẹ.
-
东西 (dōngxi) - đồ vật: Âm "xi" được phát âm nhẹ.
Các loại từ thường có thanh nhẹ:
-
Trợ từ: 吗 (ma), 吧 (ba), 啊 (a), 呢 (ne), 了 (le)...
-
Hậu tố của danh từ: 头 (tou), 子 (zi), 家 (jia)...
-
Hậu tố của đại từ: 们 (men), 的 (de)...
-
Phương vị từ: 上 (shàng), 下 (xià), 里 (lǐ), 外 (wài)...
-
Bổ ngữ xu hướng: 来 (lái), 去 (qù), 进 (jìn), 出 (chū)...
-
Hình thức lặp lại của động từ: 试试 (shìshi), 走走 (zǒuzou)...
Biến điệu thanh nhẹ là một dạng biến điệu đặc biệt
Biến điệu của thanh 3
Thanh 3 trong tiếng Trung có sự thay đổi khi kết hợp với các thanh điệu khác để tạo ra sự liền mạch và dễ nghe hơn trong giao tiếp.
Khi hai âm tiết cùng mang thanh 3 đi liền nhau, âm tiết đầu tiên biến thành thanh 2.
-
你好 (nǐhǎo) → níhǎo
-
很忙 (hěnmáng) → hénmáng
Khi ba âm tiết liên tiếp đều mang thanh 3:
-
Hai âm tiết đầu có thể biến thành thanh 2: 你很累 (nǐ hěn lèi) → ní hén lèi
-
Hoặc chỉ âm tiết thứ hai biến đổi: 我很好 (wǒ hěn hǎo) → wǒ hén hǎo
Khi thanh 3 đứng trước thanh 1, thanh 2 hoặc thanh 4, nó được đọc thành nửa thanh 3 (chỉ phát âm phần xuống giọng mà không có phần lên giọng).
-
很高 (hěn gāo) → hěn gāo (nửa thanh 3)
-
好吃 (hǎo chī) → hǎo chī (nửa thanh 3)
Thanh 3 trong tiếng Trung sẽ thay đổi khi kết hợp cùng thanh điệu khác để dễ nghe hơn trong giao tiếp
Biến điệu của 不 (bù) và 一 (yī)
Biến điệu của 不 (bù)
Từ 不 (bù) thường có sự biến đổi thanh điệu khi đi trước các từ mang thanh điệu thứ tư.
不 đọc là bù khi đứng trước thanh 1, 2, 3.
-
不吃 (bù chī) - không ăn
-
不明白 (bù míngbai) - không hiểu
不 đọc là bú khi đứng trước thanh 4.
-
不去 (bú qù) - không đi
-
不快 (bú kuài) - không nhanh
Khi đứng trong các cấu trúc có 3 âm tiết, 不 có thể được phát âm nhẹ.
-
是不是 (shì bù shì) → shì bu shì
-
等不到 (děng bù dào) → děng bu dào
Trong một số trường hợp biến điệu 不 sẽ có cách đọc khác
Biến điệu của 一 (yī)
Từ 一 (yī) cũng có sự biến đổi tùy thuộc vào thanh điệu của âm tiết đi sau nó.
一 đọc là yī khi đứng một mình hoặc trong các số thứ tự.
-
第一 (dì yī) - thứ nhất
-
一百 (yī bǎi) - một trăm
Một số trường hợp biến điệu của 一:
-
Khi đứng trước thanh 4, yī đọc thành yí
-
一天 (yì tiān) → yì tiān
-
一样 (yí yàng) → yí yàng
-
-
Khi đứng trước thanh 1, 2, 3, yī đọc thành yì
-
一点 (yì diǎn) → yì diǎn
-
一瓶 (yì píng) → yì píng
-
Tương tự như 不 , 一 cũng có một vài trường biến điệu khi đi với một số thanh khác
Tổng kết
Việc thành thạo thanh điệu trong tiếng Trung là bước quan trọng để nâng cao kỹ năng phát âm và giao tiếp. Việc phát âm đúng thanh điệu sẽ giúp người bản xứ hiểu được thông điệp mà mình muốn truyền tải, trở nên chuyên nghiệp hơn. Do đó, để thành thạo các quy tắc trong thanh điệu, bạn hãy luyện tập thường xuyên hơn.