Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực thương mại quốc tế hay hoạt động xuất - nhập khẩu của một quốc gia, chắc chắn không ít lần bạn đã từng nghe qua đến thuật ngữ thâm hụt thương mại. Thâm hụt thương mại là một thuật ngữ kinh tế phản ánh sự mất cân đối trong cán cân xuất nhập khẩu của một quốc gia, khi giá trị hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu vượt quá giá trị xuất khẩu. Việc hiểu rõ thâm hụt thương mại là gì giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện hơn trong việc đánh giá rủi ro và tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Cùng Unica tìm hiểu ngay.
Thâm hụt thương mại là gì?
Thâm hụt thương mại (tiếng Anh: trade deficit) là tình trạng xảy ra khi một quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn so với lượng hàng hóa và dịch vụ mà quốc gia đó xuất khẩu trong cùng một khoảng thời gian. Nói cách khác, quốc gia đang chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa từ nước ngoài so với khoản thu từ việc bán hàng hóa ra quốc tế.
Thâm hụt thương mại phản ánh sự mất cân đối trong cán cân thương mại và thường được gọi là cán cân thương mại âm. Công thức tính như sau:
Thâm hụt thương mại = Tổng giá trị nhập khẩu – Tổng giá trị xuất khẩ
Nếu kết quả dương, nghĩa là giá trị nhập khẩu vượt quá xuất khẩu, quốc gia đó đang bị thâm hụt thương mại. Ngược lại, nếu kết quả âm, tức là xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu, thì gọi là thặng dư thương mại (trade surplus).
Tìm hiểu khái niệm thâm hụt thương mại
Nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại
Thâm hụt thương mại có thể bắt nguồn từ rất nhiều vấn đề khác nhau, nó bao gồm cả yếu tố kinh tế, chính sách và cấu trúc thị trường. Vậy cụ thể nguyên nhân thâm hụt thương mại là gì? Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này:
-
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ: Khi nền kinh tế phát triển nhanh, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng cao. Nếu năng lực sản xuất nội địa không kịp đáp ứng, quốc gia buộc phải nhập khẩu nhiều hơn, từ đó dẫn đến thâm hụt thương mại.
-
Hạn chế về nguồn lực tự nhiên: Nhiều quốc gia không có đủ tài nguyên thiết yếu như: dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản hay nguyên liệu thô, nên phải phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
-
Chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia thường nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh rồi xuất khẩu. Điều này có thể tạo ra thâm hụt thương mại trên giấy tờ, dù thực tế hoạt động sản xuất vẫn hiệu quả.
-
Chính sách thương mại của chính phủ: Thuế nhập khẩu thấp, ưu đãi cho hàng ngoại hoặc thiếu các biện pháp khuyến khích xuất khẩu đều có thể khiến hàng hóa từ nước ngoài tràn vào thị trường nội địa, tạo nên thâm hụt.
-
Chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư: Khi chi tiêu vượt quá thu nhập, quốc gia đó có thể phải vay mượn hoặc nhập khẩu nhiều hơn để duy trì mức sống và đầu tư, dẫn tới thâm hụt thương mại.
-
Nhập khẩu phục vụ sản xuất: Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trong dài hạn cũng có thể tạm thời gây ra thâm hụt thương mại.
Dù thâm hụt thương mại không phải lúc nào cũng tiêu cực, nhưng nếu kéo dài và mất kiểm soát, nó có thể gây mất cân đối cán cân thanh toán, ảnh hưởng đến tỷ giá, nợ nước ngoài và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, cần có chính sách hợp lý để cân bằng thương mại và duy trì tăng trưởng bền vững.
Nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại
Đặc điểm chính của thâm hụt thương mại
Thâm hụt thương mại là hiện tượng kinh tế phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập toàn cầu. Một số đặc điểm nổi bật của thâm hụt thương mại bao gồm:
Nhập khẩu vượt quá xuất khẩu
Nhập khẩu vượt quá xuất khẩu được xem là dấu hiệu đặc trưng nhất của thâm hụt thương mại. Khi một quốc gia chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu so với những gì họ thu về từ xuất khẩu, thâm hụt thương mại sẽ xuất hiện.
Cán cân thương mại âm
Thâm hụt thương mại được thể hiện dưới dạng số âm trong cán cân thương mại. Điều này đồng nghĩa với việc quốc gia đang tiêu tốn ngoại tệ nhiều hơn số tiền họ thu về từ hoạt động xuất khẩu, tạo ra sự mất cân đối thương mại.
Giảm giá tiền tệ
Khi nhập khẩu tăng cao, nhu cầu sử dụng ngoại tệ để thanh toán cũng tăng theo. Đây chính là nguyên nhân khiến đồng nội tệ mất giá. Sự suy yếu của tiền tệ nội địa có thể giúp hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh hơn, nhưng đồng thời cũng làm tăng chi phí nhập khẩu và nguy cơ lạm phát.
Thâm hụt thương mại được thể hiện dưới dạng số âm trong cán cân thương mại
Những ảnh hưởng của thâm hụt thương mại
Thâm hụt thương mại không chỉ là một chỉ số kinh tế vĩ mô mà còn tác động trực tiếp đến nền kinh tế và đời sống người dân. Tùy thuộc vào bối cảnh, mức độ và khả năng ứng phó của quốc gia, thâm hụt thương mại có thể mang lại cả ảnh hưởng tiêu cực lẫn tích cực.
Ảnh hưởng tiêu cực
-
Suy giảm cơ hội việc làm trong nước: Khi hàng hóa nhập khẩu tràn vào với giá rẻ hoặc chất lượng vượt trội, các doanh nghiệp nội địa có thể gặp khó khăn trong cạnh tranh. Điều này khiến họ phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc cắt giảm nhân sự, dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng – đặc biệt trong các ngành sản xuất truyền thống.
-
Thu nhập người lao động bị ảnh hưởng: Việc làm giảm kéo theo thu nhập giảm, tác động trực tiếp đến mức sống của người lao động. Hệ quả là chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn nền kinh tế.
-
Tăng gánh nặng nợ quốc gia: Nếu tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài, quốc gia buộc phải vay mượn từ bên ngoài để bù đắp chênh lệch. Điều này có thể dẫn đến gia tăng nợ công, gây áp lực lên đồng nội tệ, mất cân bằng cán cân thanh toán và làm suy yếu nền kinh tế.
Ảnh hưởng tích cực
-
Lợi ích cho người tiêu dùng: Một trong những điểm tích cực dễ thấy là người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với hàng hóa ngoại nhập có giá cả cạnh tranh và chất lượng cao. Điều này giúp cải thiện mức sống và đa dạng hóa lựa chọn tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, nhiên liệu, điện tử.
-
Thúc đẩy tái cấu trúc và chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Hiện nay, một số quốc gia có thâm hụt thương mại nhưng vẫn phát triển mạnh nhờ tập trung vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như: tài chính - dịch vụ, công nghệ, y tế,... Điều này tạo ra nhiều cơ hội việc làm với mức lương cũng tương đối cao cho người lao động.
Thâm hụt thương mại có cả ảnh hưởng tích cực và tích cực
Chiến lược làm giảm thâm hụt thương mại
Để kiểm soát và từng bước thu hẹp thâm hụt thương mại, các quốc gia có thể áp dụng một loạt chiến lược phối hợp từ nhiều lĩnh vực. Dưới đây là những hướng đi hiệu quả có thể áp dụng:
Thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất khẩu
Một trong những cách hiệu quả nhất để cải thiện thâm hụt thương mại là gia tăng giá trị xuất khẩu. Khi hàng hóa và dịch vụ trong nước được tiêu thụ mạnh mẽ ở thị trường quốc tế, quốc gia sẽ thu về ngoại tệ, từ đó làm cân bằng lại dòng tiền chi cho nhập khẩu. Để đạt được điều này, nhà nước có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu như: miễn giảm thuế, trợ giá, hoặc tài trợ chi phí nghiên cứu và thâm nhập thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc đổi mới công nghệ, cải tiến chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu cũng là yếu tố sống còn để hàng hóa Việt có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ thương mại quốc tế.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Sức mạnh của nền kinh tế nội địa ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân thương mại. Một quốc gia với hệ thống sản xuất yếu, lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu, chắc chắn sẽ đối mặt với thâm hụt thương mại dài hạn. Vì thế, cách để hạn chế thâm hụt thương mại hiệu quả cần áp dụng ngay lập tức đó là nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đầu tư vào giáo dục, đào tạo nghề, và cải tiến công nghệ là điều thiết yếu. Khi doanh nghiệp trong nước đủ sức tự sản xuất các mặt hàng thay thế hàng ngoại, đồng thời cung cấp sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm xuống đáng kể.
Giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền tệ
Giá trị đồng nội tệ có ảnh hưởng rất lớn đến cán cân thương mại. Nếu tiền tệ bị định giá quá cao, hàng hóa xuất khẩu sẽ kém hấp dẫn do giá đắt hơn đối thủ. Ngược lại, nếu đồng nội tệ bị mất giá quá nhanh, nền kinh tế có thể đối mặt với lạm phát và bất ổn. Do đó, chính sách tiền tệ cần được điều hành một cách khôn ngoan và linh hoạt nhằm giữ ổn định tỷ giá, vừa bảo vệ sức mua trong nước, vừa hỗ trợ hoạt động xuất khẩu phát triển bền vững.
Chiến lược làm giảm thâm hụt thương mại
Thực thi các chính sách thương mại
Một quốc gia muốn cải thiện cán cân thương mại cần xây dựng chính sách thương mại có định hướng rõ ràng và phù hợp với bối cảnh quốc tế. Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa trong nước tiếp cận các thị trường lớn với thuế suất ưu đãi. Đồng thời, cũng cần có các biện pháp bảo vệ hợp lý đối với những ngành công nghiệp non trẻ, tránh bị cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu giá rẻ hoặc chất lượng thấp.
Giảm sự phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu
Không thể phủ nhận rằng nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, máy móc và các sản phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, chiến lược dài hạn nên hướng đến việc phát triển năng lực sản xuất trong nước ở những lĩnh vực trọng yếu như công nghệ, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao. Việc nâng cao tính tự chủ sẽ giúp giảm áp lực ngoại tệ và hạn chế rủi ro từ biến động thị trường toàn cầu.
Khuyến khích tiết kiệm
Một phần nguyên nhân của thâm hụt thương mại đến từ việc quốc gia chi tiêu vượt quá khả năng tiết kiệm. Do đó, thúc đẩy văn hóa tiết kiệm trong dân cư và doanh nghiệp là một bước đi chiến lược. Khi nền kinh tế có được nguồn tiết kiệm đủ lớn, nhà nước và doanh nghiệp có thể huy động để đầu tư vào sản xuất và hạ tầng mà không cần vay mượn quá nhiều từ nước ngoài.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng
Hạ tầng là nền tảng cho năng lực cạnh tranh quốc gia. Một hệ thống logistics, giao thông, kho bãi, viễn thông hiện đại sẽ giúp giảm chi phí vận hành, tăng tốc độ sản xuất và giao hàng. Điều này không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn làm cho sản phẩm nội địa đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đầu tư đúng hướng vào cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa lâu dài cho cả nền kinh tế.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm tình trạng thâm hụt thương mại
Cân đối ngân sách Chính phủ
Việc cân đối ngân sách Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng, bởi nếu như chi tiêu vượt quá thì không chỉ dẫn đến việc thâm hụt ngân sách mà còn tạo áp lực lên nguồn vốn trong nước, buộc quốc gia phải vay mượn bên ngoài để bù đắp. Việc vay nợ quốc tế kéo dài sẽ khiến đồng nội tệ mất giá, làm tăng chi phí nhập khẩu và khiến cán cân thương mại càng trở nên mất cân đối. Vì vậy, việc duy trì cân đối ngân sách chính phủ là rất quan trọng.
Cân đối ngân sách chính phủ không chỉ giúp ổn định kinh tế vĩ mô mà còn giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngoại. Đồng thời, chính sách tài chính lành mạnh cũng tạo niềm tin cho nhà đầu tư quốc tế và giúp bảo vệ vị thế của quốc gia trên thị trường tài chính toàn cầu.
Giám sát và thực hiện điều chỉnh chính sách
Cuối cùng, bất kỳ chiến lược nào cũng cần được kiểm soát, đánh giá và điều chỉnh kịp thời. Một quốc gia có thể áp dụng nhiều chính sách tốt, nhưng nếu thiếu sự giám sát và phối hợp giữa các cơ quan chức năng, kết quả vẫn không như kỳ vọng. Vì vậy, duy trì sự minh bạch tài khóa, kiểm soát nợ công và linh hoạt trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô là điều không thể thiếu để bảo đảm hiệu quả giảm thâm hụt thương mại bền vững.
Kết luận
Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến việc khái niệm thâm hụt thương mại là gì. Với những thông tin này, chắc chắn bạn đã hiểu rõ về khái niệm cũng như mặt tích cực và tiêu cực của thâm hụt thương mại. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn được những thông tin hữu ích giúp bạn đánh giá, xem xét để tìm kiếm được cơ hội đầu tư hợp lý hơn.