Cổ đông lớn là những người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong doanh nghiệp. Đồng thời cũng là người nắm giữ cổ phiếu cao. Vậy cụ thể cổ đông lớn là gì? Họ có vai trò và trách nhiệm như thế nào trong mỗi doanh nghiệp? Cùng khám phá nội dung bài viết dưới đây của Unica để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé.
Cổ đông lớn là gì?
Theo khoản 3 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần. Đối chiếu theo khoản này và căn cứ theo khoản 18 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 giải thích thuật ngữ cổ đông lớn như sau: Cổ đông lớn là người sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành. Trong doanh nghiệp, cổ đông lớn được cho là có quyền lực lớn hơn những cổ đông còn lại.
Cổ đông lớn là gì?
Về nguyên tắc, mỗi cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết ngang nhau, bất kể cổ đông nắm giữ 1 hay 1 triệu cổ phần. Tuy nhiên, cổ đông lớn sẽ sở hữu số lượng cổ phần nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với việc cổ đông lớn sẽ có tổng số phiếu biểu quyết cao hơn, từ đó có ảnh hưởng lớn hơn đến các quyết định của công ty.
Tùy vào tỷ lệ sở hữu cổ phần, chẳng hạn như: 5%, 10%, 36%, 51% hay 75% mà cổ đông sẽ có những quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau. Từ đó, họ có quyền đề cử, phủ quyết, đến khả năng chi phối hoặc kiểm soát toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.
Quyền và nghĩa vụ của các cổ đông lớn
Tùy thuộc vào tỷ lệ sở hữu cổ phần và quyền biểu quyết, cổ đông trong công ty cổ phần sẽ có những quyền và nghĩa vụ khác nhau. Cụ thể như sau:
Quyền của cổ đông lớn theo tỷ lệ sở hữu cổ phần
Tỷ lệ sở hữu |
Quyền tương ứng |
Từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên |
Được xem xét, tra cứu và trích lục các tài liệu như: biên bản, nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính định kỳ, báo cáo của Ban kiểm soát, các hợp đồng và giao dịch quan trọng.- Có quyền yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp nhất định. |
Từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên |
Có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.- Tỷ lệ này có thể được điều chỉnh thấp hơn nếu Điều lệ công ty quy định. |
Từ 35% tổng số phiếu biểu quyết trở lên |
Có quyền phủ quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông (theo khoản 1 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020). |
Trên 50% tổng số phiếu biểu quyết |
Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành hợp lệ khi số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết.- Nghị quyết được thông qua khi có trên 50% số phiếu biểu quyết đồng thuận, trừ những nội dung đặc biệt cần tỷ lệ cao hơn. |
Từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên |
Có quyền quyết định các vấn đề trọng yếu như:+ Thay đổi loại cổ phần, tổng số cổ phần;+ Thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh;+ Cơ cấu tổ chức quản lý công ty;+ Dự án đầu tư hoặc bán tài sản ≥ 35% tổng giá trị tài sản;+ Tổ chức lại hoặc giải thể công ty;+ Các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định. |
Quyền của cổ đông lớn theo tỷ lệ sở hữu cổ phần
Bên cạnh các quyền đặc biệt, cổ đông lớn trong công ty cổ phần cũng phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
-
Thanh toán đầy đủ và đúng hạn số cổ phần đã cam kết mua: Cổ đông lớn có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ góp vốn đúng theo cam kết về thời hạn và giá trị cổ phần đăng ký.
-
Không được rút vốn góp dưới bất kỳ hình thức nào: Cổ đông lớn không được phép tự ý rút phần vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty, trừ trường hợp được công ty hoặc cá nhân, tổ chức khác mua lại số cổ phần đó. Nếu vi phạm, cổ đông sẽ phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và bồi thường thiệt hại phát sinh.
-
Tuân thủ Điều lệ công ty và các quy chế nội bộ: Cổ đông lớn phải nghiêm túc chấp hành các quy định nội bộ được công ty ban hành.
-
Thực hiện đầy đủ các nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị: Việc tuân thủ các quyết định chung là nghĩa vụ bắt buộc nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động quản trị công ty.
-
Bảo mật thông tin của công ty: Cổ đông lớn phải giữ bí mật các thông tin được cung cấp theo quy định của Điều lệ công ty và pháp luật. Mọi hành vi sao chép, tiết lộ hoặc phát tán thông tin cho bên thứ ba đều bị nghiêm cấm.
-
Không được lạm dụng vị thế để gây thiệt hại cho công ty hoặc cổ đông khác: Cổ đông lớn phải hành động vì lợi ích chung, không sử dụng ảnh hưởng của mình để tạo ra các rào cản, làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty cũng như các cổ đông còn lại.
Cổ đông lớn mua bán cổ phiếu có phải thông báo không?
Theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019, cổ đông lớn có nghĩa vụ công bố thông tin đầy đủ và kịp thời về tình trạng sở hữu cổ phần của mình tại công ty đại chúng, nhằm đảm bảo tính minh bạch và công khai trong hoạt động thị trường chứng khoán. Cụ thể:
Cổ đông lớn mua bán cổ phiếu phải thông báo không?
Thông báo với công ty và cơ quan quản lý chứng khoán
Cổ đông lớn phải thông báo cho công ty và cơ quan quản lý chứng khoán trong các trường hợp sau:
-
Khi đạt mức sở hữu từ 5% trở lên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng hoặc công ty đầu tư chứng khoán đại chúng.
-
Khi trở thành hoặc không còn là cổ đông lớn (tức vượt qua hoặc rơi xuống dưới ngưỡng 5%).
-
Khi có sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần qua các ngưỡng 1%, ví dụ: từ 6% lên 7%, hoặc từ 10% xuống 9%...
-
Khi đạt các ngưỡng sở hữu quan trọng khác: 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 50%, 75% và 90% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
-
Thời hạn báo cáo: Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch hoặc thay đổi tỷ lệ sở hữu (bao gồm cả giao dịch mua bán hoặc thay đổi tỷ lệ không qua giao dịch).
-
Nghĩa vụ này cũng áp dụng với nhóm người có liên quan và nhóm nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 5% trở lên cổ phần có quyền biểu quyết tại một tổ chức phát hành.
Công bố thông tin công khai trên trang web của công ty
Cổ đông lớn cần cung cấp và cập nhật các thông tin sau:
-
Số lượng và tỷ lệ cổ phần sở hữu tại công ty.
-
Thông tin về các giao dịch cổ phần: mua, bán, chuyển nhượng, hoặc việc sử dụng cổ phần cho mục đích khác.
-
Thông tin cá nhân bao gồm: họ tên, quốc tịch và địa chỉ liên hệ của cổ đông lớn.
Việc công bố thông tin đầy đủ và đúng hạn nhằm đảm bảo tính minh bạch và công khai trong mọi hoạt động giao dịch cổ phiếu. Từ đó, các cổ đông khác và nhà đầu tư có cơ sở để đưa ra quyết định đầu tư chính xác.
Kết luận
Bài viết là toàn bộ thông tin liên quan đến khái niệm cổ đông lớn là gì? Tóm lại, cổ đông lớn là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu từ 5% trở lên số cổ phần có quyền biểu quyết trong một công ty cổ phần, đặc biệt là công ty đại chúng. Bên cạnh các quyền lợi tương xứng với tỷ lệ sở hữu, cổ đông lớn cũng phải tuân thủ nhiều nghĩa vụ quan trọng. Sự hiện diện và vai trò của cổ đông lớn là đóng vai trò quan trọng trong quản trị minh bạch và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.