Hỗ trợ

Hotline: 090 488 6095
Email: cskh@unica.vn

Hợp đồng cộng tác viên là gì? Hợp đồng cộng tác viên có phải đóng BHXH?

Cộng tác viên là một công việc tự do rất hấp dẫn với người nội trợ, sinh viên, những người muốn kiếm thêm thu nhập. Mặc dù là một công việc hấp dẫn và phổ biến nhưng hiện vẫn còn rất nhiều người chưa thực sự hiểu về hợp đồng cộng tác viên là gì? Trong hợp đồng cộng tác viên có những quy định quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể nào dành cho 2 bên tham gia hợp đồng. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết các vấn đề bạn đang cần, hãy tham khảo ngay nhé.

1. Hợp đồng cộng tác viên là gì?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về hợp đồng cộng tác viên. Tuy nhiên vẫn có thể hiểu hợp đồng cộng tác viên theo nghĩa như sau: Hợp đồng cộng tác viên được xem là một hình thức khác của hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ. Tuy nhiên, người tham gia hợp đồng cộng tác viên sẽ không được hưởng các quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật. Quyền và nghĩa vụ của cộng tác viên sẽ được bảo vệ căn cứ theo thỏa thuận hợp đồng giữa 2 bên.

hop-dong-cong-tac-vien.jpg

Hợp đồng cộng tác viên

Hợp đồng cộng tác viên khác với hợp đồng lao động ở chỗ:

- Hợp đồng cộng tác viên không có thời hạn cố định, có thể là ngắn hạn hoặc dài hạn, tùy theo thỏa thuận của các bên.

- Hợp đồng cộng tác viên không có quy định về thời gian làm việc, địa điểm làm việc, chế độ nghỉ phép, chế độ bảo hiểm,...

- Hợp đồng cộng tác viên không có chế độ kỷ luật lao động.

2. Có mấy loại hợp đồng cộng tác viên?

Hợp đồng cộng tác viên được chia thành 2 loại như sau:

Hợp đồng dịch vụ

Khi ký hợp đồng cộng tác viên theo hình thức hợp đồng dịch vụ thì cộng tác viên chỉ cần hoàn thành công việc thỏa thuận trong thời gian nhất định.

Một số ví dụ cụ thể về hợp đồng cộng tác viên dịch vụ thường gặp:

- Giúp việc nhà theo giờ.

- Dịch vụ cho thuê tài xế.

- Chăm sóc bé sơ sinh tại nhà.

Hợp đồng lao động dành cho cộng tác viên

Khi tham gia hình thức hợp đồng lao động cộng tác viên thì bạn sẽ phải tuân thủ theo một số nội quy công việc nhất định. Bạn có thể làm việc tại nhà hoặc làm việc tại nhà xưởng, văn phòng tùy theo thỏa thuận hợp đồng và tính chất công việc. Tuy nhiên, bạn sẽ không được hưởng các quyền lợi lao động như nhân viên chính thức.

Một số ví dụ về hợp đồng lao động cộng tác viên thường gặp gồm:

- Cộng tác viên làm thời vụ tết tại siêu thị, nhà xưởng,...

- Cộng tác viên làm việc tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo ca 4 giờ mỗi ngày. 

3. Quy định về hợp đồng cộng tác viên mà HR nên biết

Mặc dù pháp luật chưa có quy định cụ thể nào về quyền và nghĩa vụ dành cho cộng tác viên. Tuy nhiên, một khi bạn làm ở bộ phận nhân sự thì nhất định phải biết rõ về quyền và nghĩa vụ của cộng tác viên. 

3.1. Quyền và nghĩa vụ của cộng tác viên đối với doanh nghiệp

Khi đăng ký làm cộng tác viên cho doanh nghiệp, cộng tác viên sẽ có các quyền lợi sau đây:

- Được yêu cầu bên thuê (doanh nghiệp, cá nhân) cung cấp nguyên vật liệu, dữ liệu, tài liệu, dụng cụ, phương tiện,... để phục vụ cho công việc. 

- Được yêu cầu thỏa thuận thay đổi nghĩa vụ và quyền lợi theo mong muốn cá nhân.

- CTV có thể dừng công việc ngay mà không cần sự đồng ý của bên thuê. Trừ trường hợp trong hợp đồng cộng tác viên có điều khoản thỏa thuận cụ thể.

- Dược yêu cầu trả tiền dịch vụ (lương) sau khi hoàn thành công việc hoặc khi muốn dừng hợp đồng cộng tác viên. 

Đi cùng với quyền lợi là nghĩa vụ. Cộng tác viên phải đảm bảo hoàn thành công việc theo thỏa thuận hợp đồng.

3.2. Cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Theo luật bảo hiểm xã hội 2014, những người tham gia hợp đồng lao động cộng tác viên, có thời gian làm việc từ đủ 3 tháng đến 12 tháng đều phải đóng bảo hiểm xã hội. Kể cả việc sử dụng lao động dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật.

3.3. Cộng tác viên có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?

Tuỳ thuộc vào mức thu nhập của mỗi cộng tác viên mà sẽ quyết định phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không. Với những cộng tác viên có thu nhập cao thì sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật. 

4. Làm việc theo hợp đồng cộng tác viên thì có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đó là người lao động phải làm việc theo hợp đồng lao động. Nói như vậy tức là, nếu người sử dụng lao động tuyển dụng lao động theo hình thức công tác viên và ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thì người lao động ký hợp đồng cộng tác viên sẽ bắt buộc phải đóng bảo hiểm. Quy định này đã được ban hành tại khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

5. Một số lưu ý chung khi ký kết hợp đồng cộng tác viên

Ưu điểm của hợp đồng cộng tác viên là có thể thêm nhiều ưu đãi để thu hút người lao động. Tuy vậy, đây cũng là kẽ hở để các đối tượng lừa đảo lợi dụng để lừa đảo. Khi ký hợp đồng cộng tác viên bạn nên lưu ý những điều sau đây:

- Không đóng bất kỳ khoản phí nào khi đăng ký làm cộng tác viên. Kể cả phí học nghề, phí đặt cọc để lấy hàng về làm tại nhà, trừ khi bạn biết rõ về độ uy tín của cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân.

- Khi làm cộng tác viên bán hàng, không thanh toán đơn hàng trước để hưởng ưu đãi chiết khấu hấp dẫn.

6. Kết luận

Công việc cộng tác viên mang lại sự tiện lợi và chủ động cho người lao động. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro khi làm cộng tác viên, tránh trường hợp bị lừa đảo bạn cần phải xác định được mức độ uy tín của người thuê. Hy vọng với những thông tin chia sẻ về hợp đồng cộng tác viên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của cộng tác viên khi tham gia lao động. Từ đó, bạn có thể an tâm hơn khi tham gia lao động. 

[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Trở thành hội viên