Mứt tắc hay còn gọi là mứt quất là một trong những món ăn vặt được nhiều người ưa thích không chỉ bởi màu sắc đẹp mắt, hương vị hòa quyện tuyệt vời mà nó còn rất tốt cho sức khỏe. Tết Nguyên Đán 2022 đang đến rất gần, nếu bạn chưa nắm được trong tay công thức làm mứt tắc đơn giản thì hãy tham khảo cách làm mứt tắc dẻo thơm không bị đắng mà Unica chia sẻ thông qua nội dung bài viết dưới đây nhé.
1. Hướng dẫn cách làm mứt tắc truyền thống
Nguyên liệu chuẩn bị
- 500gr Tắc
- 1 Nhánh gừng
- ½ Bát mè trắng rang
- 250g đường
- 1 Ít muối.
Nguyên liệu làm mứt tắc truyền thống
Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Phần tắc sau khi mua về bạn bỏ hết phần cuống, rửa sạch với nước muối loãng. Sau đó rửa dưới vòi nước lọc rồi để ra rổ cho ráo nước.
- Dùng dao sắc cắt từng quả quất thành 8 đường đối xứng để tạo hình cánh hoa.
- Đặt quả tắc đã cắt vào lòng bàn tay, dùng lòng bàn tay còn lại ấn dẹt 2 đầu để tắc ra hết hạt và nước.
- Lưu ý không bỏ hết phần nước cốt trong quả tắc mà giữ lại khoảng 2 thìa để tí sử dụng ướp tắc.
Sơ chế tắc
Bước 2: Ngâm và trần sơ tắc
- Hòa 1 muỗng canh muối cùng với 500ml nước lọc. Dùng tay khuấy đều cho phần muối được tan hết. Sau đó, cho toàn bộ phần tắc đã chuẩn bị ở bước 1 vào ngâm trong khoảng 2 tiếng đồng hồ.
- Sau 2 tiếng, bạn rửa lại vỏ tắc một lần nữa với nước. Dùng tay vắt vỏ tắc để vỏ tắc thật ráo nước.
- Tiếp theo, đun sôi nồi nước nóng trên bếp, sau đó cho phần tắc vào trần sơ trong khoảng 2 phút.
- Sau khi vớt tắc ra, bạn ngâm vào thau nước đá lạnh để tắc giữ được độ dai giòn.
- Rửa lại vỏ tắc với nước một lần nữa và vắt nhẹ nhàng cho vỏ tắc ráo nước.
Chần sơ tắc với nước sôi
Bước 3: Ướp tắc
- Bạn trộn hỗn hợp 250g đường, tắc đã sơ chế cùng với 2 muỗng canh nước cốt tắc đã giữ lại ở bước 1 và 1 muỗng cà phê muối vào ướp.
- Dùng đũa đảo đều hỗn hợp và cho thêm 1 nhánh gừng đã cắt sợi vào ướp.
- Ướp hỗn hợp trong khoảng 2-3 tiếng cho đến khi đường tan chảy hết.
Ướp tắc
Bước 4: Sên mứt tắc
- Cho toàn bộ phần hỗn hợp đã ướp ở phần 3 vào chảo chống dính và sên ở lửa nhỏ.
- Khi hỗn hợp nước đường sôi, bạn dùng đũa lật phần mặt tắc còn lại để mứt tắc chín đều.
- Lưu ý trong quá trình sên bạn không nên đảo quá nhiều vì nó có thể làm cho phần mứt bị nát.
- Quan sát bề mặt tắc, nếu thấy tắc ngả sang màu vàng nâu thì bạn gắp tắc ra đĩa. Phần nước đường trong chảo bạn giữ nguyên và sên nhỏ lửa cho đến khi đường sánh đặc và ngả sang màu nâu cánh gián là được.
- Đổ phần tắc vào chảo đường và đảo nhẹ tay cho tắc ngấm đường rồi tắt bếp.
- Xếp mứt tắc ra đĩa và rắc thêm một chút mè trắng đã rang chín lên phần bề mặt để mứt tắc được thơm ngon hơn.
- Để mứt tắc khô hơn, bạn phơi dưới nắng khoảng 2 ngày cho mứt se lại rồi cho vào hũ thủy tinh có nắp đậy để bảo quản.
Sên mứt tắc
Thành phẩm
- Mứt tắc được tạo hình cánh hoa có màu vàng óng vô cùng đẹp mắt. Vị chua chua của tắc kết hợp với mùi thơm của mè trắng và gừng là một món mứt tuyệt vời mà bạn nhất định phải thử để chiêu đãi khách trong dịp Tết.
Thành phẩm mứt tắc truyền thống
Đăng ký khoá học làm Mứt online ngay để nhận ưu đãi vô cùng hấp dẫn. Khóa học sẽ giúp bạn thành thạo các kỹ năng nấu ăn cơ bản để tạo ra các loại mứt thơm ngon như mứt sen, mứt gừng, mứt cam, mứt dâu tây,... Hãy nhanh tay đăng ký ngay thôi nào:
2. Hướng dẫn cách làm mứt tắc xắt sợi
Nguyên liệu chuẩn bị
- 500gr Tắc
- 2,5 Muỗng canh muối
- 500gr Đường phèn
- 1 Muỗng canh mật ong.
Nguyên liệu làm mứt tắc xắt sợi
Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế tắc và xắt sợi tắc
- Tắc sau khi mua về bạn bỏ hết phần cuống, rửa sạch và vắt phần lấy nước cốt.
- Lọc nước cốt tắc qua rây để loại bỏ hết phần hạt.
- Tiếp theo, bạn dùng dao thái vỏ tắc thành các sợi mỏng.
Sơ chế tắc và thái thành sợi mỏng
Bước 2: Ngâm vỏ tắc với muối
- Sau khi cắt xong phần vỏ tắc, bạn ướp vỏ tắc vào tô với 2 muỗng canh muối, 1 chút nước lọc.
- Dùng đũa đảo đều và ướp trong khoảng 2-3 phút.
- Sau 3 phút, bạn chắt bỏ phần nước đã ngâm và giữ lại phần vỏ tắc.
Ngâm vỏ tắc với muối
Bước 3: Chần tắc
- Đun sôi nồi nước nóng trên bếp, sau đó cho phần vỏ tắc vào chần sơ qua.
- Vớt tắc ra rổ cho nguội hết rồi dùng lực 2 tay vắt thật khô phần vỏ tắc.
Chần tắc và vắt hết nước
Bước 4: Sên mứt tắc sợi
- Dùng chảo chống dính rồi pha hỗn hợp như sau: nước cốt tắc (ở bước 1) + ⅔ muỗng canh muối +500gr đường phèn và dùng đũa khuấy đều cho đến khi phần đường tan hết.
- Đun hỗn hợp ở trên bếp với lửa nhỏ.
- Quan sát bề mặt thấy hỗn hợp sôi lăn tăn thì cho phần vỏ tắc vào và đảo đều trong 1 phút rồi tắt bếp.
- Cuối cùng cho một muỗng canh mật ong vào trộn đều là bạn đã hoàn thành xong các bước làm mứt tắc sợi vô cùng đơn giản rồi.
Sên mứt tắc trên lửa nhỏ
Thành phẩm
- Mứt tắc sợi có vị chua chua, ngọt ngọt, màu sắc vàng vô cùng đẹp mắt.
- Bạn có thể ăn mứt tắc này cùng với bánh mì vào mỗi buổi sáng.
Thành phẩm mứt tắc xắt sợi
3. Một số lưu ý khi thực hiện cách làm mứt tắc
- Trong bước tạo hình quả tắc, bạn có thể khứa thành 5 hay 6 cánh tùy bạn nhằm tạo hình cánh hoa trông đẹp mắt. Lưu ý không khứa quá sâu hoặc quá nông, bởi nếu quá nông chúng ta sẽ không thể lấy được hạt của tắc ra, còn khứa quá sâu chúng sẽ dễ bị nát trong quá trình sên mứt.
- Tùy vào khẩu vị thích ăn chua hoặc ngọt mà trong quá trình làm mứt, bạn có thể tăng hoặc giảm lượng đường sao cho phù hợp nhất.
- Để mứt tắc hình bông hoa không bị rách cánh, trong quá trình ướp đường, bạn không cần phải đảo quá nhiều mà đường có thể tự tan nhanh khi thấm sâu vào các cánh hoa trên quả tắc.
- Khi sên tắc, bạn không nên để cho phần nước đường tắc sôi mạnh vì nó có thể khiến cho thành phẩm mứt tắc không còn mùi thơm nguyên vẹn như ban đầu.
- Trong quá trình phơi tắc, bạn nên lựa chọn không gian sạch sẽ hoặc phủ một tấm màn mỏng lên trên mứt tắc để tránh bụi bẩn hoặc côn trùng bám vào.
- Cách bảo quản mứt tắc đúng cách là cho vào hũ thủy tinh có nắp đậy vào để ở ngăn mát tủ lạnh, sử dụng dần trong vòng 1-2 tháng.
Mứt tắc truyền thống chua dẻo không bị đắng
4. Cách chọn mua tắc tươi ngon làm mứt
- Khi mua tắc làm mứt, bạn không nên chọn những quả xanh quá hoặc chín quá. Tắc còn xanh sẽ cho ra thành phẩm mứt tắc vị đắng chát còn tắc chín quá sẽ rất dễ bị nát trong quá trình sên mứt. Vì thế bạn nên chọn quả tắc còn tươi, chín tới, bề mặt quả có màu sắc vàng tươi, to tròn căng bóng và mùi thơm dịu nhẹ.
- Không sử dụng tắc đã thu hoạch lâu ngày, vỏ tắc bị dập úng bởi nó sẽ làm cho phần mứt tắc bị hỏng hoặc không được ngon.
5. Ăn mứt tắc có tốt không?
Nếu quan sát kỹ, bạn có thể dễ dàng nhận thấy mứt tắc là một trong những thành phần không thể thiếu trong hộp mứt đầy đủ ngày Tết. Mứt tắc không chỉ đẹp mắt, mang ý nghĩa là sự may mắn, đầy đủ cho năm mới sung túc mà ăn mứt tắc còn rất tốt cho sức khỏe.
Mứt tắc hay mứt quất có công dụng tuyệt vời trong việc giải đờm, trị ho và tốt cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, ăn mứt tắc còn giúp bạn hạn chế được tình trạng buồn nôn và giải cảm vô cùng hiệu quả.
Mứt tắc sẽ trở nên tuyệt vời hơn nếu bạn thưởng thức cùng với một tách trà gừng nóng.
Như vậy thông qua bài viết trên đây, Unica đã cùng bạn tìm hiểu 2 cách làm mứt tắc vô cùng đơn giản. Chỉ bằng những mẹo mà Unica chia sẻ, chúng tôi tin chắc rằng bạn có thể tự tay vào bếp để làm món mứt thơm dẻo, đậm vị Tết để chiêu đãi cho người thân và bạn bè.
Cảm ơn và chúc các bạn thành công !